Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến: Theo Bác Hồ về nước kháng chiến

08:03 12/12/2016

Sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với phía Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946 nhằm kéo dài hòa bình. Trước lúc Người trở về Tổ quốc, một số trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp bày tỏ nguyện vọng được theo về cùng Bác để tham gia kháng chiến. 

Bài 3: Theo Bác Hồ về nước kháng chiến

Những người được Bác Hồ lựa chọn gồm Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh. Sau này, một số trí thức lần lượt về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo… Từ lòng yêu nước và sự ngưỡng mộ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Bác Hồ, họ đã từ bỏ vàng son, bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, góp phần vào những thắng lợi của dân tộc. 

Tiếng gọi non sông

Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, tôi đến thăm vợ chồng ông Trần Dũng Trí - Nguyễn Thị Quang. Ông Trí là trưởng nam của nhà trí thức nổi tiếng Trần Đại Nghĩa. Căn phòng khách trong ngôi nhà cổ tại phố Hàng Chuối toát lên sự thanh bạch và giản dị, có trưng bày khá nhiều hiện vật là niềm tự hào của gia đình, đặc biệt là bức ảnh (chụp năm 1960) Bác Hồ và Giáo sư Trần Đại Nghĩa đang trao đổi công việc. Căn nhà này là nơi Giáo sư, Viện sỹ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã sống trên 3 thập kỷ, trước khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh năm 1991.

“Ba tôi đặt tên chúng tôi, lấy theo họ Trần được Bác Hồ đặt cho ba tôi khi về nước tham gia kháng chiến” – ông Trí tâm sự về lí do không mang họ theo gốc gác người cha Phạm Quang Lễ. Những ký ức về người cha mẫu mực khiến ông Trí và bà Quang xúc động… Bỗng có tiếng chuông cổng và hai vị khách xuất hiện, là bà Võ Quý Hòa Bình và chồng là ông Thanh. Bà Võ Quý Hòa Bình là trưởng nữ của kỹ sư Võ Quí Huân. Hai vị Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân cũng là bạn bè thân thiết từ khi còn ở Pháp (trước năm 1946) và đến nay hai gia đình vẫn duy trì mối quan hệ tình cảm sâu nặng.

Vợ chồng ông Trần Dũng Trí, trưởng nam của Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ nhất, thứ hai từ trái qua) và vợ chồng bà Võ Quí Hòa Bình, trưởng nữ của kỹ sư Võ Quí Huân. (ảnh chụp tháng 10-2016).

Ông Trí kể: “Theo hồi ức của ba tôi, trong thời gian Bác Hồ và các đại biểu nước ta thăm Pháp, ba tôi và chú Võ Quí Huân cùng nhiều anh em rất tích cực tham gia các hoạt động của đoàn, đặc biệt là tổ chức tuần hành, tuyên truyền, vận động dư luận Pháp ủng hộ Việt Nam độc lập. Khi hội nghị Fontainebleau thất bại, Bác cho gọi cha tôi đến và bảo: “Bác sắp về nước, chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Chú đã sẵn sàng chưa?”. Ba tôi trả lời “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng”…

Trong hồi ký “Trở về Tổ quốc kính yêu” (viết tháng 5-1993), Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhớ lại: “Đoàn tùy tùng theo Bác Hồ về nước gồm 6 người: anh Đỗ Đình Thiện – thư ký của Bác, Đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh, kỹ sư luyện kim Võ Quí Huân, bác sỹ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và tôi, lúc ấy có tên là Phạm Quang Lễ. Anh Thiện và anh Huỳnh đi cùng Bác từ Hà Nội. Còn bốn người chúng tôi xem như Việt kiều về nước…

Những ngày tiếp xúc với Bác Hồ ở Paris, tôi luôn có những cảm giác lạ thường, một tiếng gọi thiêng liêng vừa gần, vừa xa, có cả ảo lẫn thực. Tiếng gọi từ một nơi xa xăm vạn dặm, và cũng rất gần gũi bên tai. Lời của Bác, hình ảnh và linh hồn Tổ quốc kính yêu. Tiếng gọi đó trùng với ước mơ và hoài bão tuổi trẻ của tôi lúc bấy giờ”…

Nhớ về quãng thời gian được cùng Bác trên chiếc Thông báo hạm Dumont d Urville dọc hải trình từ cảng Toulon trở về Tổ quốc, Giáo sư Trần Đại Nghĩa chiêm nghiệm: “Trong những ngày ở cùng Bác trên con tàu, tôi có một cảm giác mới lạ, như đang sống trong một quốc gia thu nhỏ. Bác là nguyên thủ quốc gia, còn sáu tùy tùng là đại diện của ba miền đất nước: anh Đỗ Đình Thiện, anh Vũ Đình Huỳnh, anh Trần Hữu Tước ở Bắc Bộ; anh Võ Quí Huân, anh Võ Đình Quỳnh ở Trung Bộ, và tôi Phạm Quang Lễ ở Nam Bộ”…

Trong số 4 trí thức Việt kiều về nước, duy nhất kỹ sư Võ Quý Huân đã lập gia đình, có một cô con gái tên là Võ Quí Việt Nga. Vợ ông Huân là bà Vo Qui Irenè, gốc Nga. Bà là chuyên gia ngôn ngữ học. Thời điểm ông Võ Quý Huân lên tàu cùng Bác Hồ về nước, bà Irenè đang đi thi Tiến sĩ tại Paris.

Dù đang nuôi cô con gái mới 2 tuổi nhưng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông Huân đã nén tình riêng, quyết tâm trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Bé Võ Quí Việt Nga được gửi cho gia đình một người bạn nuôi. Mối tình và sự chia ly của gia đình ông Võ Quí Huân thời điểm đó là điển hình cho sự hi sinh cao cả vì Tổ quốc, ông mãi mãi không được gặp lại con gái và vợ…

Bác Hồ trao đổi với Giáo sư Trần Đại Nghĩa (ảnh chụp năm 1960).

Những vũ khí “Made in Chiến khu”

Hành trang trở về Tổ quốc của những trí thức Việt kiều ngoài lòng yêu nước, chỉ có sách, tài liệu chế tạo vũ khí, luyện kim. Ngay khi về nước, họ được giao những trọng trách phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Thời điểm đó, việc chế tạo vũ khí, sản xuất gang thép là yêu cầu cấp thiết nhất. Giáo sư Trần Đại Nghĩa được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới, phụ trách việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí.

Kỹ sư Võ Quí Huân là Giám đốc Sở Khoáng chất kĩ nghệ Trung Bộ, lo việc sản xuất gang thép phục vụ ngành quân giới. Từ đó, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí “Made in Chiến khu” đã được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghĩa và gang thép của kĩ sư Võ Quí Huân, góp phần vào những thắng lợi của của bộ đội trên các mặt trận.

Tuy nhiên, xe tăng, xe bọc thép là loại khí tài lợi hại của quân Pháp, trong lúc bộ đội ta chưa có vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt chúng. Quân Pháp rất biết tận dụng ưu thế của các loại khí tài này, cơ động trên các chiến trường, tổ chức những trận càn thọc sâu vào căn cứ kháng chiến, gây cho ta nhiều thiệt hại.

Các loại bom ba càng, chai xăng… đều không đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và dễ gây thương vong cho bộ đội. Vì vậy, ngay từ giữa năm 1945, khi được Đội Con Nai của Mỹ tặng một số quả đạn và súng Bazooka chống tăng, Bác Hồ đã chỉ đạo chuyển ngay cho bộ phận Quân giới.

Đảm nhận trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và các đồng sự đã không quản ngày đêm mày mò nghiên cứu, quyết tâm chế tạo thành công loại vũ khí này. Họ đã “mổ xẻ” từng chi tiết khẩu Bazooka và đạn của Mỹ để nghiên cứu tìm thuốc nổ và gang thép đang có tại Việt Nam.

Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, khẩu súng Bazooka “Made in Chiến khu” đã bắn thử thành công. Từ tháng 4-1947, bộ đội các chiến trường bắt đầu được trang bị loại vũ khí cực mạnh khiến quân địch kinh hồn bạt vía, bởi không loại khí tài và lô cốt nào có thể chịu nổi sức công phá của Bazooka “Made in Chiến khu”.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhớ lại: “Bộ đội ta không chỉ dùng Bazooka để bắn xe tăng và xe thiết giáp, mà còn dùng cho năm, sáu công việc khác nhau: Bazooka bắn ổ súng máy của địch, bắn lô cốt cố thủ, bắn xe cơ giới, bắn tàu chiến, tàu tuần tiễu đi gần bờ sông và bắn cả tốp bộ binh khi chúng tập trung đông. Nhiều đoàn cơ giới của địch đã bị Bazooka tiêu diệt trên đường số 4”…

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các trí thức theo Bác Hồ về nước kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã phong hàm Thiếu tướng cho Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đợt đầu tiên năm 1948), danh hiệu Anh hùng lao động (đợt đầu tiên năm 1952) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1 năm 1996). Kỹ sư Võ Quí Huân được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Bác sỹ Trần Hữu Tước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh… Tên của ba vị trí thức tiêu biểu này cũng được đặt cho nhiều đường phố, trường học trong cả nước.
Trần Duy Hiển

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng này là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文