Băn khoăn về chế độ, thẩm quyền đặc thù của lực lượng cảnh vệ

17:56 09/11/2016
Chiều 9-11, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh vệ do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo. Đa phần các đại biểu đều nhất trí cao với việc ban hành luật này để xứng với vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng này.

Bày tỏ thống nhất với đa phần các quy định được nêu trong dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý thêm về phạm vi điều chỉnh, nên bao gồm toàn bộ hoạt động cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và hoạt động của lực lượng cảnh vệ Việt Nam ở nước ngoài. 

Theo đại biểu Hồng, quy định như dự thảo chưa bao hàm hết toàn bộ hoạt động của lực lượng này, đặc biệt trong hội nhập quốc tế như hiện nay, sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế sang tham dự các sự kiện tại Việt Nam và có lực lượng cảnh vệ của họ đi kèm. 

Ví dụ sự kiện Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam, có cả một bộ máy sang bảo vệ. Vậy việc sử dụng vũ khí, phương tiện của lực lượng cảnh vệ nước ngoài sẽ do văn bản nào điều chỉnh? 

Cùng với đó là hoạt động của lực lượng cảnh vệ bảo vệ lãnh đạo đất nước đi công tác nước ngoài hiện cũng chưa có trong phạm vi điều chỉnh của luật. 

Đại biểu cho rằng, có thể quy định các đối tượng này bằng 1 nguyên tắc chung là hoạt động phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam với các nước và các văn bản khác liên quan để tránh bỏ lọt.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng thảo luận tại tổ

Khẳng định việc ban hành luật là rất cần thiết, đại biểu Đặng Xuân Phương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đề nghị bổ sung thêm đại hội Đảng của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân vào các sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng chế độ cảnh vệ, vì hiện Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước... cũng đã tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và có mặt trong các sự kiện này. Đại biểu Phương cũng cho rằng do đây là lực lượng đặc thù, làm nhiệm vụ rất vất vả, nên chế độ chính sách phải có những ưu đãi phù hợp, kể cả trang phục, để thể hiện được uy lực riêng.

Trao đổi ý kiến tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng đề nghị đại biểu quan tâm thảo luận sâu thêm một số vấn đề như thẩm quyền nổ súng của lực lượng cảnh vệ. “Quyền nổ súng của cảnh vệ khác với Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà Quốc hội đã thảo luận. 

Đối tượng đấy là nguy hại đến yếu nhân. Ví dụ như Mỹ, chỉ cần xâm nhập Nhà trắng là tiêu diệt, không cần phải cảnh báo, phải hỏi ai. Tất nhiên cái đó hai mặt. Một mặt yêu cầu người trang bị súng phải đàng hoàng, chững chạc, điêu luyện, có kiến thức, bản lĩnh kinh nghiệm để xét ai đáng bắn, ai không đáng bắn, khi nào bắn, khi nào không bắn. 

Nhưng ngược lại, giữa ranh giới cần bắn và không cần bắn phải rõ ràng. Khi trao quyền quá lớn mà không kiểm soát quyền lực ấy thì dễ lạm quyền; còn ngược lại thì cũng mất thời cơ. Đề nghị đại biểu quan tâm thêm để giải mã thẩm quyền nổ súng” – ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Võ Trọng Việt cũng lưu ý về quyền trưng mua, trưng dụng. “Hiện chỉ có một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh có quyền này, nhưng không đưa vào luật thì anh em cảnh vệ không phát huy được công việc của mình, ví dụ như trưng dụng cái xe (khi truy đuổi) mà không được quyền là không được. Ta phải nghiên cứu để giải mã cái này để không trái với luật trưng mua, trưng dụng, nhưng mà phát huy được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, về tổ chức của lực lượng cảnh vệ, một số quan điểm cho rằng chỉ bố trí ở trung ương. Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt nêu ra thực tế có huy động anh em công an các tỉnh thành tham gia công tác này, nhưng không được hưởng chế độ như cảnh vệ dù làm việc như cảnh vệ. 

“Nếu tổ chức ở địa phương thì phình biên chế, nhưng nếu không tổ chức chế độ chính sách cho anh em như thế nào? Chính sách của anh em cảnh vệ tuân thủ Luật Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, nhưng cũng phải có phụ cấp riêng, bởi đây là lực lượng vừa bảo vệ vừa phục vụ” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt nêu thêm.

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án luật này trước khi thông qua vào kỳ họp sau.

Trước đó, Tờ trình về dự án luật này do Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ trình bày đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành luật, bởi sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới với lực lượng này; Hiến pháp năm 2013 quy định: 

"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khủng bố có xu hướng gia tăng và việc đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế cũng khiến yêu cầu đối với công tác cảnh vệ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn. 


Vũ Hân

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文