Bộ GTVT lên tiếng về việc đối tác Trung Quốc xây Long Thành
- Đồng ý cho Đồng Nai chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành
- Chưa tìm ra gần 80% vốn thiếu hụt để giải phóng mặt bằng Long Thành
- Hiến kế tìm nguồn 18.000 tỷ giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành
- Dự án sân bay Long Thành: Giảm biên chế trong 2 năm sẽ đủ vốn thu hồi đất
- Đến giờ chưa có báo cáo khả thi của Long Thành là chậm
Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ chiều tối 30-8, ông Đông cho biết, Bộ GTVT đang trong giai đoạn triển khai các Nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Cho đến thời điểm này, Đồng Nai đã thực hiện xong nghiên cứu khả thi về đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT đang tuyển chọn tư vấn để nghiên cứu khả thi của sân bay Long Thành. Chúng tôi dự kiến rằng triển khai nghiên cứu đến năm 2018 và giữa năm 2019 sẽ trình Chính phủ, theo đúng quy định” – ông Đông nói.
“Liên quan đến việc đề xuất đầu tư Cảng hàng không sân bay Long Thành, quan điểm là hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, những người quan tâm đến dự án. Trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án để xin chủ trương đầu tư, (Bộ GTVT) cũng đã nghiên cứu định hướng một số hạng mục Nhà nước có thể sử dụng vốn đầu tư công, một số có thể thu hút được thành phần kinh tế khác.
Như tôi nói ở trên, hiện (dự án) đang trong giai đoạn tuyển chọn, tư vấn, chưa hoàn thành xong nghiên cứu khả thi. Đến khi được các cấp thẩm quyền, ở đây là Chính phủ, thẩm định, trình Quốc hội thông qua, bước tiếp theo chúng ta mới xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, thu hút vốn đầu tư vào hạng mục của khối kinh tế tư nhân và đầu tư công theo đúng quy định đầu tư xây dựng của Nhà nước” Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông |
“Liên quan đến quan ngại nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia, tôi xin trả lời là lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở tiêu chí, có đánh giá, có lựa chọn thông qua đấu thầu. Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư phải kiểm soát tiến độ, giá thành, trên cơ sở hồ sơ đấu thầu” - ông Đông bày tỏ.
Trước đó, Tập đoàn Geleximco đã cùng với một doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Liên danh này đề xuất với Thủ tướng thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cam kết đưa dự án vào vận hành trong thời gian xây dựng từ 3-5 năm với giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết đề xuất này đã được DN gửi lên Bộ Giao thông Vận tải từ năm ngoái.
Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014); trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD). Sau khi được Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư, Quốc hội khóa XIV cũng đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép Chính phủ tách dự án thành phần thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho dự án để thực hiện trước khi Quốc hội xem xét báo cáo khả thi của toàn dự án. Riêng dự án thành phần này đã trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng.