Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội chia sẻ kết quả lấy phiếu tín nhiệm

22:00 11/06/2013
Giờ giải lao sáng 11/6, ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu bày tỏ sự hài lòng với sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất. Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội chia sẻ cùng đại biểu suy nghĩ sau kỳ bỏ phiếu, tất nhiên cả những tâm tư, đề đạt bổ sung cho các lần sau.
>> Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Lĩnh vực tư pháp ít “đụng chạm” nhưng tôi cũng phải nhìn lại mình

Tỏ ý hài lòng với kết quả vừa công bố, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường điềm đạm rót chén chè đặc quánh, bước ra hành lang phía trước. Hỏi “Bộ trưởng có chia sẻ cảm xúc gì”, ông nói “thôi, lúc khác”. Nhưng suy nghĩ một lúc rồi ông cũng trả lời câu hỏi của phóng viên CAND...

- Ông vừa bỏ phiếu cho người khác, lại vừa được người khác bỏ phiếu cho mình, hẳn “hai vai” ấy cũng nặng?

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

Thực ra, cuộc lấy phiếu này là một thước đo của Quốc hội đối với từng chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Nhìn chung, kết quả đạt được là rất đáng mừng.

Đương nhiên, lấy phiếu thì có người cao, người thấp cũng là bình thường. Người có nhiều phiếu tín nhiệm cao thì qua đó cũng tự tin hơn trong công việc của mình để làm tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ được giao. Còn với những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì đây cũng là dịp để tự nhìn nhận lại mình, đánh giá tại sao, có những cái thuộc về khách quan, có cái chủ quan.

Những cái khiếm khuyết thuộc chủ quan thì dứt khoát phải điều chỉnh, khắc phục để từng bước lấy lại tín nhiệm, để lần sau tín nhiệm cao hơn. Còn tồn tại khách quan thì phải cùng với tập thể, các cơ quan liên quan khắc phục, tháo gỡ. Trong bỏ phiếu, ở các vị trí khác nhau, lĩnh vực khác nhau thì cũng khó có sự so sánh cụ thể.

- Như ông, số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” cũng tương đối, hẳn ông thấy hài lòng?

Cũng hòa trong cái chung vậy thôi, trước hết là mình cũng thấy phấn khởi về lá phiếu của đại biểu, cử tri đối với bản thân mình, ngành mình. Đồng thời, qua đó thấy mình phải cố gắng hơn, cả những gì đã làm được. Đương nhiên, tôi cũng có số phiếu “tín nhiệm thấp” mà số phiếu này cũng không phải là ít.

Tôi nghĩ, đối với lĩnh vực tư pháp cũng không có quyền lợi gì nhiều để có sự va chạm mà phiếu như vậy thì đó cũng là điều đáng suy ngẫm đối với cá nhân tôi. Có nghĩa là bản thân mình cũng còn những vấn đề cần phải nhìn lại, xem cái gì yếu kém để khắc phục, vươn lên hơn nữa. Các ngành kinh tế, xã hội đụng chạm quyền lợi người dân hằng ngày có những cái nó rõ hơn, còn trong lĩnh vực tư pháp này không quá cọ xát đến mức độ khiến phiếu tín nhiệm thấp, thì tự mình phải rút kinh nghiệm.

- Một số bộ trưởng có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”, ông có chia sẻ gì?

Tôi cũng rất chia sẻ. Tôi nghĩ cũng không phải trách nhiệm riêng cá nhân những đồng chí đó bởi thực ra mới nhận nhiệm vụ trong gần 2 năm, mà nhiều cái tồn tại thì từ nhiều năm rồi, tồn đọng để lại cũng lớn. Như lĩnh vực ngân hàng trong điều kiện kinh tế thế giới, trong nước đều khó khăn. Do đó, đấy cũng là khó khăn với các đồng chí ấy.

- Còn về năng lực của họ thì sao, thưa ông?

Đương nhiên một phần phản ánh năng lực cá nhân. Nhưng tôi cũng nói rằng, không phải mình giải trình gì hộ, nhưng đúng là chia sẻ ở lĩnh vực rất khó khăn. Ngân hàng, tài chính, giáo dục, y tế..., đó là những lĩnh vực rất khó khăn.

- Bộ trưởng nhìn nhận thế nào khi những người công tác lĩnh vực lập pháp thường ít phiếu “tín nhiệm thấp” hơn bên hành pháp?

Về hành pháp, trong đánh giá sẽ nặng về công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, cho nên ở những vị trí này có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều hơn ở các Ủy ban của Quốc hội cũng là điều dễ hiểu. Như trách nhiệm Chính phủ rất nặng nề, mà chúng ta lại đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong thời kỳ đổi mới, rất nhiều áp lực...

Sang năm, tôi cho là cũng cần xem lại Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu, bỏ phiếu. Đó là tính toán lại cần lấy phiếu đối tượng nào, theo tôi là chỉ lấy phiếu các thành viên Chính phủ, còn Quốc hội lại lấy phiếu các Ủy ban Quốc hội là không cần thiết. Bởi nguyên tắc làm việc của Quốc hội thì đại biểu là bình đẳng, ngang nhau về quyền, nghĩa vụ, sự thể hiện vai trò của cá nhân là không rõ, cho nên không cần thiết lấy phiếu các chức danh Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Tất cả đều phải tự rút kinh nghiệm

Cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “kết quả bước đầu”, đại biểu Bùi Thị An nói, đây là dịp để tất cả 47 chức danh vừa được lấy phiếu cùng suy ngẫm, soi lại bản thân mình...

- Vì sao chỉ coi là “kết quả bước đầu”, thưa bà?

Đại biểu Bùi Thị An.

Đây là việc được cử tri rất trông đợi và đại biểu Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, kết quả như vậy cũng là thước đo đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đồng chí được lấy phiếu. Nếu lá phiếu chỉ có “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì sẽ khác, nhưng chúng ta ghi 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” thì kết quả đó là phù hợp.

- Vì sao lại đưa ra ba mức chứ không phải hai mức trong lá phiếu?

Việc này trước khi ra Nghị quyết 35, Quốc hội cũng đã bàn, cũng đã có ý kiến nêu chỉ đưa hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để bỏ phiếu được rõ hơn. Nhưng khi biểu quyết thì đa số tán thành phương án đưa ba mức như trên.

- Trước khi bỏ phiếu, bà nhận định thế nào, có ai “tín nhiệm thấp” quá bán không?

Tôi cũng không dự đoán việc đó, bởi việc đưa ra ba mức phiếu thì khó có khả năng đó xảy ra. Đương nhiên, tất cả các đồng chí đều phải tự soi lại mình, đây là dịp rút kinh nghiệm xem có những vấn đề gì làm chưa tốt, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri, thể hiện chưa tốt việc hoàn thành chức trách của mình. Từ đó cần nghiêm khắc với bản thân và đề ra được các giải pháp để vượt lên.

- Như vậy, kết quả này làm bà hài lòng?

Tôi nghĩ nếu nói để thỏa mãn tuyệt đối thì chưa được, nhưng với kết quả này, có lẽ cử tri cũng đã hài lòng...

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Người đảm nhận lĩnh vực “nóng” khi bỏ phiếu dễ bị ảnh hưởng

Trước khi bỏ phiếu, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói với chúng tôi rằng, ông rất trăn trở và đau đầu khi bỏ phiếu, bởi đây là việc hệ trọng, không thể làm tùy hứng được. Gặp lại ông phiên giải lao ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Minh giữ thái độ bình thản...

- Bỏ phiếu xong, ông hẳn đã hết “trăn trở và đau đầu”?

Đại biểu Ngô Văn Minh.

Trước hết, tín nhiệm thấp hay cao chưa phải đã nói hết được tình hình nhưng cũng đã phản ánh phần nào. Người đảm nhận những lĩnh vực nóng, liên quan quyền lợi trực tiếp người dân thì cách đánh giá cũng khác với người ít việc hay những việc ít đụng chạm. Kết quả bỏ phiếu không có ai có số phiếu tín nhiệm thấp quá bán, đó cũng là điều đáng mừng, cũng là mong muốn của đa số đại biểu Quốc hội. Những đồng chí có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì cũng rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành công việc của mình, để làm sao sang năm lấy phiếu được cao hơn.

- Giữa các bộ trưởng cũng đã có sự khác biệt về tỷ lệ phiếu, ông nghĩ sao?

Trong 22 bộ, ngành thì có những bộ lĩnh vực gọn hơn, ít đụng chạm hơn. Mà dân gian nói rồi, làm nhiều, việc nhiều thì sai sót hẳn cũng nhiều hơn người làm ít, việc ít. Cho nên cũng không phải quá nặng nề việc đó. Tất nhiên, trách nhiệm của mỗi bộ trưởng qua đợt lấy phiếu này phải tự soi lại mình để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót để việc điều hành bộ, ngành mình được tốt hơn.

- Liệu việc bỏ phiếu có cảm tính không, thưa ông?

Không có yếu tố cảm tính. Kinh nghiệm nhiều nước thì chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm bộ máy hành pháp thôi chứ bỏ phiếu cả lập pháp, tư pháp, tới 49 chức danh là nhiều quá. Việc bỏ phiếu tôi cho là khách quan chứ không phải vì cảm tình, yêu ghét người này, người kia.

- Như vậy, người làm lĩnh vực nóng dễ bị áp lực?

Trước khi bỏ phiếu, tôi cũng đã tin rằng không có ai quá bán “tín nhiệm thấp”. Thứ hai là với một số bộ, ngành, lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp quyền lợi người dân, qua dư luận xã hội cũng đã phản ánh việc này, việc kia rồi thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình lấy phiếu, tỷ lệ phiếu tín nhiệm.

- Theo ông, qua đợt này cần rút kinh nghiệm gì?

Đây là lần đầu tiên chúng ta làm công việc rất hệ trọng, liên quan quyền lợi chính trị của các chức danh được lấy phiếu. Cho nên, có thể coi đây là thành công bước đầu có ý nghĩa quan trọng. Song, cũng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, như các ý kiến đã thảo luận ở đoàn. Đó là cần thiếu điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 35 để công tác này đi vào thực chất, quy củ, phản ánh đúng ý nguyện người dân. Cũng có ý kiến là chỉ đưa ra hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm, hay đồng ý và không đồng ý. Việc đưa ra 3 mức cũng có lẽ là một cách làm sáng tạo của ta...

Đ.Trường (thực hiện)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文