Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội mới cho thương mại và phát triển

19:40 14/09/2017
Sáng 14-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự và phát biểu tại Phiên họp lần thứ 64 của Uỷ ban Thương mại và Phát triển của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tại Thành phố Geneve (Thuỵ Sỹ).


Trước toàn thể các Đại sứ của các quốc gia thành viên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây vừa là một vinh dự vừa là một cơ hội để Việt Nam chia sẻ về sự phát triển của mình, nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. 

Phó Thủ tướng cho rằng, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần làm cho các kết nối, hợp tác của thế giới ngày càng chặt chẽ, lan tỏa, và hiệu quả hơn, mở ra những cơ hội mới cho thương mại và phát triển vì một tương lai thịnh vượng chung của nhân loại.

Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về các rủi ro bất ổn kinh tế- tài chính toàn cầu; sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ; căng thẳng địa - chính trị và xung đột cục bộ, cạn kiệt tài nguyên; biến đổi khí hậu, khủng bố, đói nghèo và dịch bệnh gia tăng.

Trong bối cảnh đó, “UNCTAD cũng như các định chế của Liên hợp quốc cần thiết và hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động. Việt Nam ủng hộ Nghị sự của UNCTAD với các chương trình, kế hoạch thiết thực tập trung thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế dựa trên cơ sở luật lệ, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và phục vụ cho sự phát triển” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị

Chia sẻ về những bước phát triển của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, mở cửa trong quan hệ với các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. 

Nhờ đó, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong 30 năm qua luôn trên 6%/năm. Đến năm 2016, GDP của Việt Nam đã đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.300 USD. Tháng 9-2015, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia được Liên hợp quốc vinh danh về hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ MDG, theo đó nổi bật là thành tích giảm nghèo.

Sau 10 năm gia nhập WTO, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, đạt 350 tỷ USD và sẽ cán mốc 400 tỷ USD vào cuối năm nay, gấp 1,6 lần GDP, thể hiện độ mở mạnh mẽ của nền kinh tế. Đến 6-2017, Việt Nam đã thu hút hơn 23.700 dự án FDI từ 120 quốc gia, đối tác với tổng vốn đăng ký khoảng 310 tỷ USD. 

Việt Nam cũng đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA, trong đó có những FTA có tiêu chuẩn cao. Dự kiến khi thực hiện tất cả các FTA này, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với 56 đối tác trên thế giới, bao gồm tất cả các nước G7 và 15/20 thành viên Nhóm G20, mở ra không gian rộng lớn cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Để Việt Nam tiến xa hơn, cần phải tập trung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp; tập trung cải cách thể chế pháp luật; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, với mục tiêu tăng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi đã chứng kiến Lễ ký 3 thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam với một số tổ chức quốc tế tại Geneva, gồm: Thỏa thuận hợp tác về Quản lý nợ công giữa Bộ Tài chính và UNCTAD; Thỏa thuận hợp tác Hỗ trợ kỹ thuật “Đánh giá tác động dự kiến của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam đến y tế và tài khóa” giữa Bộ Tài chính và Tổ chức Y tế thế giới (WHO); và Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Vận tải đường bộ quốc tế (IRU) với Tổng cục Hải quan Việt Nam trong tiến trình Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về vận tải hàng hóa quá cảnh.


Vũ Hân

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文