Cân nhắc quy định cấp bậc hàm trong Luật Sĩ quan Quân đội (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục, nên việc sửa đổi là hết sức cần thiết. Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, Luật chỉ quy định đối với chức vụ cơ bản, chưa quy định cụ thể các chức vụ, nhất là các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng, do vậy cần bổ sung để luật hóa các chức vụ sĩ quan có cấp bậc quân hàm cấp tướng.
Về thực hiện Khoản 3 Điều 15, quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng và có quá trình cống hiến xuất sắc được thăng quân hàm cao hơn một bậc, những năm qua Bộ Quốc phòng đã đề nghị cấp có thẩm quyền thăng quân hàm cấp bậc Thiếu tướng đối với một số sĩ quan giữ chức vụ Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan và giữa các địa phương.
Các ý kiến góp ý thống nhất nhiều nội dung quy định trong dự luật, đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa điều kiện xét thăng quân hàm, đặc biệt là đối với cấp tướng; quy định cụ thể diện bố trí sĩ quan biệt phái tại các cơ quan của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; về chế độ tiền lương, nhà ở đối với sĩ quan.
Một số ý kiến cho rằng cần xem xét quy định cấp tướng ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công. Một số ý kiến đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận.
Cho ý kiến về điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là chủ trương đúng để bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy, vừa đảm bảo cơ cấu đội ngũ sỹ quan cấp tướng, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ.
Về thẩm quyền quyết định bổ nhiệm đối với sĩ quan, một số ý kiến cho rằng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị như dự thảo là phù hợp với Hiến pháp.
Theo đó, thẩm quyền của Thủ tướng chỉ “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ”. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần làm rõ khái niệm “chức vụ tương đương” và cần quy định rõ trong luật