Đất nông, lâm trường bị tư nhân 'xẻ thịt' dựng nhà, làm trang trại

18:40 22/09/2015
Đại biểu Quốc hội lo lắng sau khi nghe kết quả giám sát cho thấy, diện tích đất cấp cho nông, lâm trường rất lớn, trong đó nhiều nơi bị tư nhân (là cán bộ, nhân viên nông, lâm trường) chiếm dụng dựng nhà ở, làm trai trại, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất đai.

UBTV Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014 trong phiên họp ngày 22-9. Các ý kiến thừa nhận, kể từ khi ra đời vào năm 1955, trong 60 năm qua, nông - lâm trường có vai trò lịch sử rất quan trọng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của miền núi và trung du, góp phần thay đổi đời sống, tập quán làm ăn, cách nghĩ cách làm kinh tế ở miền núi cũng như sự chuyển dân. Tuy nhiên, việc sử dụng đất đai nông, lâm trường bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập gây lãng phí đất đai, tài nguyên, gây bức xúc trong nhân dân. Trải qua các thời kỳ diện tích có nhiều biến động, trong đó đất bị hoang hóa, bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích… đang diễn ra nhiều nơi.  

Kết quả giám sát cho thấy, các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn (hơn 7,9 triệu ha, trong đó có hơn 2,4 triệu ha rừng sản xuất; 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619 ha đất chưa sử dụng), song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến. Năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng). Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai heo quy định. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt, tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng còn nhiều. 

Nhiều nông, lâm trường đất đai để hoang hóa nhiều năm, trong khi có nơi “xẻ thịt, chia lô”.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, từ khi có Luật Đất đai năm 1987, sự chuyển đổi quản lý của các nông, lâm trường liên quan đến đất đai đuối dần và không bắt kịp, bộc lộ yếu kém. Trong khi sử dụng nguồn tài nguyên rất lớn thì đóng góp của nông, lâm trường về thuế tài nguyên lại rất kém cỏi. Ông cho rằng, đóng góp nguồn thu của các nông lâm trường như số liệu do đoàn giám sát công bố là rất đáng lo ngại. “Quản lý diện tích mấy triệu ha đất đai mà trong 10 năm nộp tất cả loại thuế cho nhà nước chỉ có hơn 1.800 tỷ đồng, tức mỗi năm 180 tỷ đồng, không bằng tiền thuế của một nhà máy” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách ngao ngán. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước - Trưởng đoàn giám sát nói rằng, ông cũng nghi ngờ con số trong báo cáo nhưng lại không có cơ sở để bác bỏ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích, những năm qua về cơ bản đất đai nông, lâm trường không quản lý được, làm ăn không hiệu quả, lãng phí rất lớn đất đai, tài nguyên. Nhiều diện tích đất đai ở các nông, lâm trường này đã về tay tư nhân và “hiện họ làm sổ đỏ hết rồi, không còn của chung nữa”. Do đó, cần có thái độ cương quyết trong Nghị quyết, chỗ nào không hiệu quả phải thu hồi để giao lại cho dân quản lý, trồng rừng, sản xuất, góp phần bảo vệ biên giới. Nhiều ý kiến cũng nêu hiện trạng, đất đai nông, lâm trường rộng nhưng vào trong  thấy đã chia lô, dựng nhà, có nơi nhà cửa  kiên cố, làm cả trang trại.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc bê  trễ trong cắm  mốc, lập bản đồ để quản lý. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần làm rõ khuyết điểm khách quan và chủ quan trong vấn đề này bởi hơn 20 năm mà việc xác định cắm mốc giới, diện tích của phần lớn các nông, lâm trường chưa thực hiện được là tồn tại lớn. Chính do việc quản lý hời hợt nên mới có chuyện chia đất, chia lô, biểu hiện phát canh thu tô nên vai trò của nông lâm trường không còn như xưa. Việc giao đất do sự phối hợp không tốt mới có chuyện tuỳ tiện, phát sinh tiêu cực. Qua giám sát cũng cho thấy, nhiều lâm trường làm ăn không được nhưng vẫn cứ khư khư ôm đất, không chịu trả lại cho Nhà nước. “Không làm được mà anh cứ giữ, cứ ôm, không hiệu quả cũng không giao cho dân trồng rừng, khai thác, sản xuất” - ông Phùng Quốc Hiển lo ngại. Do đó, phải giao đất, giao rừng có chủ gắn với trách nhiệm thì mới thực hiện được các mục tiêu như phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, chống lãng phí đất đai.

Trong khi đại biểu Quốc hội lo lắng thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang lại đề đạt xin kinh phí để đo, vẽ bản đồ. Ông nói, khó khăn hiện nay là công tác đo vẽ bản đồ để tiến hành xác định mốc giới, diện tích, từ đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để giải quyết điểm nghẽn này, Bộ Tài Nguyên – Môi  trường xin được cấp số tiền hơn 1.000 tỷ để “nhanh chóng hoàn thành công tác quan trọng này”. Nhiều ý kiến đề nghị tính toán lại bởi chỉ có đo, vẽ bản đồ, lập hồ sơ cấp sổ… mà hết tới hơn 1.000 tỷ đồng là quá lớn, chiếm tới gần 60% tổng tiền thuế nông, lâm trường nộp cho Nhà nước trong 10 năm.

M.Đ.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文