Chính phủ sẽ “có thái độ kiên quyết hơn” với mạng xã hội
- Cần có định hướng để báo chí dẫn dắt mạng xã hội
- Hội thảo “Báo chí và mạng xã hội nhìn từ góc độ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”
- Quản lý mạng xã hội: Tiền kiểm hay hậu kiểm?
- Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về độ lây nhiễm mã độc
- Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về tỷ lệ bị mã độc tấn công
Cơ quan nhà nước đừng ngại công khai, minh bạch
Về vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết: Phải nhìn thẳng vào thực tế là ta rất tích cực, rất cố gắng, nhưng cũng chỉ đứng đâu đó thứ 80, có năm tụt xuống 113 trên thế giới. Người ta đánh giá trên 3 nhóm tiêu chí: hạ tầng, nhân lực – không chỉ nhân lực CNTT mà nhân lực chung của toàn hệ thống và dịch vụ công trực tuyến, thì cả 3 mặt Việt Nam đều có hạn chế.
Dịch vụ công trực tuyến thì đến tháng 7/2017, chúng ta có 109.644 dịch vụ, 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống. Dù đã giao kế hoạch rất cụ thể, tháng 7 vừa rồi trung bình mới có 1% được cung cấp ở mức 4 – mức cao nhất, tức là kèm theo thanh toán điện tử; 5% ở mức 3 (có thể lấy mẫu tờ khai trên mạng, nộp online, nhưng vẫn phải toán trực tiếp). Tỷ lệ triển khai của các bộ cũng rất khác nhau: Bộ Tài chính được 26% dịch vụ cấp độ 4, nhưng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội chỉ có 0,4%.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: CNTT chỉ là công cụ hỗ trợ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử thôi. Chúng ta quyết tâm phải xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
“Tiền (đầu tư cho hạ tầng để xây dựng Chính phủ điện tử) có thiếu không? Ở góc độ nào đó bao giờ cũng là chưa đủ, nhưng nếu sử dụng số tiền đố tốt hơn sẽ làm tốt hơn. Quan trọng là vượt qua tâm lý ngại dùng CNTT vì công nghệ vào mà mình không giỏi thì mất quyền quản lý hệ thống, quyền quản lý cán bộ của mình. Còn cái ngại nữa là ngại công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ vào là coi như mình bị giám sát. Phải khắc phục tính cục bộ, không chịu liên thông, chia sẻ với nhau, cái gì cũng muốn tự mình làm hết, rồi để lãng phí. Chính phủ từ khuyến khích, đến giờ đã bắt buộc phải thuê dịch vụ, để những người chuyên nghiệp người ta sẽ làm. Thủ tướng rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, nhưng vẫn phải quyết liệt hơn nữa” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ sẽ có thái độ kiên quyết hơn với mạng xã hội
Về báo chí và mạng xã hội, tinh thần của Chính phủ là làm đúng chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện để phát triển, đi đôi với quản lý thật tốt. Cái gì tốt chúng ta phát huy, cái gì không tốt sẽ ngăn chặn với thái độ cương quyết hơn nữa, trên tinh thần đúng pháp luật, đúng cam kết quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo về sự "dễ dãi" của người dùng internet ở Việt Nam |
Ở Việt Nam, theo số liệu mới nhất, có 67% người dùng internet, 60% người dùng mạng xã hội, tuy nhiên gần như thị trường là của công ty nước ngoài. 95% thị phần mạng xã hội, 98% thị phần công cụ tìm kiếm, 98% thư điện tử, 80% thị phần thương mại điện tử là của nước ngoài. Chúng ta chỉ còn trò chơi điện tử có thị phần khá tốt - 60%. Bao trùm lên những con số này là thị trường quảng cáo trực tuyến – facebook và youtube chiếm đến 80%, với doanh thu khoảng 350 triệu USD.
Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã có thái độ kiên quyết hơn, và Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông và các bộ, ngành cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn.
Việt Nam mất an toàn thông tin hàng đầu thế giới vì người dùng “dễ dãi”
Về an toàn thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo về mất an toàn ở Việt Nam vì sự “dễ dãi” của người dùng.
Chúng ta không thể không ứng dụng CNTT như nhiều ĐB đã thống nhất. Về ứng dụng công nghệ, chúng ta đứng khoảng thứ 80 thế giới – mức trung bình, nhưng an toàn thì đứng vị trí trên 100 - tức là trung bình yếu. Những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới. Cứ 1 giây, ta có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, có 4 mã độc bị phát tán, tức là tôi vừa nói xong câu này thì có cả nghìn cuộc tấn công, có mấy chục mã độc mới, mấy chục cuộc tấn công có chủ đích.
Có những chỉ số chúng ta đứng cuối cùng của thế giới, như chỉ số phát tán phát thư rác. Cứ 100 thư rác phát đi thì Việt Nam có 11,17 chiếc, nếu tính theo tỷ lệ dân cư thì ta gấp Trung Quốc 13,4 lần và gấp Mỹ 8 lần.
Ngày xưa, nói đến an toàn thông tin là chỉ nói đến máy tính, nhưng giờ là vạn vật kết nối, từ tủ lạnh, tivi, nên tỷ lệ lây nhiễm tại chỗ của Việt Nam cao nhất thế giới. Năm 2016, Việt Nam có hơn 71% thiết bị lây nhiễm.
Ngược lại với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, thì nhận thức của người dân về điều này rất thấp – khoảng 11% người nhận thức được, trong khi thế giới là khoảng 60%. Chúng ta có 61% máy tính cá nhân nhiễm mã độc, so với 19% trung bình trên thế giới. Ta chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn.
Thế giới cứ đầu tư cho CNTT 100 đồng thì đầu tư 15-21 đồng cho an toàn thông tin, thì Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 5 đồng.
Lực lượng được đào tạo kiến thức chuyên ngành về an toàn an ninh thông tin của chúng ta cũng rất ít - có 500 cán bộ chuyên trách chính thức trong các cơ quan Nhà nước, trong khi Trung Quốc là 40.000, Mỹ và Đức từ 15.000 – 20.000.
“Với người dân, khi chúng tôi hỏi chuyên gia quốc tế, thì họ nói dùng từ chuẩn nhất với chúng ta là dễ dãi, tức là chúng ta chưa nhận thức được nguy cơ. Chúng ta không biết mọi thông tin cá nhân đều được các công ty thu thập, về lý thuyết là phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng hoàn toàn có thể bị lợi dụng để lừa đảo, tống tiền, làm những việc có hại cho bản thân”.
“Chúng ta khẳng định là phải có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin. Thế giới có khái niệm “đội quân thứ 5” – ngoài vùng biển, lục địa, vùng trời, vũ trụ và không gian mạng. Quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền không gian mạng. Ta phải giữ chủ quyền này, có điều nó không phụ thuộc vào tọa độ địa lý như chủ quyền khác”.