Chưa thống nhất các tội danh bỏ hình phạt tử hình

18:09 30/05/2015
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết giữ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ; không bỏ hình phạt tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi.
Bỏ một số tội có hình phạt tử hình trong dự án Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi là vấn đề lớn được Quốc hội thảo luận tuần qua. Các ý kiến đều thống nhất quan điểm về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi về hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này.

Theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng) phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân không giảm án nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.

Còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận tại tổ về việc bỏ hình phạt tử hình một số tội danh.

Tuy nhiên, về các phương án đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh cụ thể thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thảo luận tại Quốc hội, loại ý kiến thứ nhất nhất trí đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7,5 tội trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh (các Điều 167, 316, 407, 413, 436, 437 và Điều 438) và tội vận chuyển trái phép chất ma túy (tách từ Điều 194 BLHS hiện hành thành Điều 251 dự thảo). Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài 7,5 tội danh nêu trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ (các Điều 157, 278, 279 BLHS hiện hành).

Tại lần sửa đổi trước (năm 2009), một số ý kiến cũng đề cập việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ. Tuy nhiên, khi thảo luận tại Quốc hội, đa số đại biểu không đồng tình vì cho rằng, đây là hai tội danh nguy hiểm nhất trong các tội về tham nhũng, việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Quốc hội tiếp tục giữ hình phạt tử hình ở hai tội này.Điều đáng nói là đến lần sửa đổi này, quan điểm đề nghị bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ vẫn tiếp tục được một số ý kiến “bảo lưu”.

Liên quan vấn đề này, tại tờ trình của Chính phủ về dự án sửa đổi bộ luật khẳng định: “Chính phủ thấy rằng, hiện nay chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng”. Thảo luận tại Quốc hội, các ý kiến hầu hết vẫn đề nghị không bỏ hình phạt tử hình với hai tội danh này.

Bộ luật Hình sự sửa đổi xây dựng theo hướng giảm số tội có hình phạt tử hình.

  Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đây là tội phạm hiện nay đang khá phổ biến và tạo ra nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Do đó, cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này. Đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, đây là tội phạm trước đây là một tội thuộc chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Đến năm 1999, tội phạm này được chuyển về chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Như vậy, đã có sự chuyển đổi nhận thức về khách thể xâm hại của tội này từ an ninh quốc gia sang trật tự, an toàn xã hội và do vậy, mức độ và yêu cầu bảo vệ khách thể đối với tội này cũng đã có sự thay đổi không còn ở mức cao như trước đây. Cơ quan soạn thảo cho rằng, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc.

Đối với các tội danh chưa bỏ tử hình, dự thảo Bộ luật (Điều 63) cũng bổ sung quy định về việc áp dụng tù chung thân không giảm án đối với trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân nhằm bảo đảm rằng, những người này được giữ lại mạng sống nhưng bị cách ly hoàn toàn và vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Cũng có ý kiến đề nghị, ngoài 7,5 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình, cần tiếp tục rà soát để mở rộng hơn nữa diện các tội danh bỏ hình phạt tử hình mà thay vào đó là hình phạt tù chung thân không giảm án với tính cách là giải pháp thay thế cho hình phạt tử hình.

Dự thảo bộ luật bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội (khoản 2 Điều 39).

Theo đó, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm hai trường hợp: người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (khoản 3 Điều 39).

Đồng thời, thiết kế lại các khung hình phạt của tội giết người (Điều 123) theo hướng giảm bớt các trường hợp giết người có thể áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời, bổ sung thêm một số tình tiết tăng nặng đối với tội này là “giết vợ, chồng, anh chị em ruột”.

Tuy nhiên, việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên đã không nhận được sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội. Tại phiên thảo luận ở tổ tuần qua, đa số ý kiến không đồng ý nội dung này. Thẩm tra dự án, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, theo quy định hiện hành, người từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi.

Trong khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm. Thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn bán ma túy,...).

Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Điểm c khoản 3 Điều 39 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ủy ban Tư pháp cũng không đồng tình quan điểm này và cho rằng, trong điều kiện đang còn duy trì hình phạt tử hình thì việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình phải được cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo số liệu do Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) tại Hà Nội cung cấp thì tính đến thời điểm 30/6/2014 đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ án tử hình theo luật hoặc trên thực tế, trong đó:

- Có 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

- Có 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế.

- Có 7 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với "các tội thông thường", duy trì hình phạt tử hình đối với các tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong hoàn cảnh đặc biệt.

- Có 37 nước và vùng lãnh thổ vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với các tội phạm thông thường.

- Trong 10 nước thành viên ASEAN, có 2 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình (Căm-pu-chia và Phi-lip-pin); có 03 nước vẫn còn duy trì hình phạt tử hình hoặc có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế.

Minh Đăng

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文