Đại biểu Công an chỉ ra nhiều kẽ hở cần xử lý trong Bộ luật Hình sự

18:06 24/05/2017
Thảo luận sôi nổi về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, các đại biểu công an - từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm đã kiến nghị sửa đổi nhiều kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng lộng hành, pháp luật mất tính nghiêm minh. 


Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận): Kẽ hở của pháp luật là “mảnh đất” tốt cho băng nhóm bảo kê tồn tại

Trong các quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự có vị trí quan trọng trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ở địa phương, riêng loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thường chiếm trên 20% tổng số vụ phạm tội phát hiện hàng năm. Tuy nhiên, thực tiễn có tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích do băng nhóm gây ra do bất cập trong quy định của pháp luật. Điều này vừa gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, đối tượng phạm tội coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác, vừa gây tâm lý bất an và hoài nghi của nhân dân đối với việc điều tra, xử lý.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc tại phiên thảo luận 24-5

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên nhiều vụ án không xử lý triệt để được vì người bị hại không hợp tác, hoặc ban đầu hợp tác, yêu cầu cơ quan điều tra xử lý nghiêm, nhưng sau khi có kết quả giám định dưới 30% lại viết đơn bãi nại, rút yêu cầu khởi tố vụ án, dẫn đến phải đình chỉ điều tra. Nguyên nhân có thể do người bị hại và đối tượng có quan hệ quen biết, họ hàng thân thuộc hoặc tự thỏa thuận bồi thường với nhau; đặc biệt có nhiều vụ do băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, sau khi gây án đã tự dàn xếp hoặc dùng tiền mua chuộc, đe dọa, khống chế người bị hại... 

Hiện nay không có quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm người bị hại trong các trường hợp này, dẫn đến nhiều vụ việc không xử lý được. Bên cạnh đó, việc tổ chức pháp y chỉ giám định khi thương tích của người bị hại được điều trị ổn định, nên vừa kéo dài thời gian điều tra, vừa khiến tỷ lệ thương tật thấp hơn nhiều so với thương tích khi mới xảy ra vụ án. 

Từ những lý do nêu trên, cơ quan điều tra không thể áp dụng kịp thời biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng gây án, dẫn đến tình trạng đối tượng nhởn nhơ, người bị hại cam chịu, người dân bất bình, tính nghiêm minh của pháp luật không được bảo đảm, làm ảnh hưởng xấu đến ANTT và uy tín của các cơ quan thực thi pháp luật. Những kẽ hở trên của pháp luật là “mảnh đất” tốt để tình trạng băng nhóm bảo kê, đâm thuê, chém mướn vẫn còn tồn tại trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến kỷ cương pháp luật và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu thực trạng BLHS 2015 có nhiều điều luật quy định liên quan đến tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 2 người trở lên (60 điều) nằm rải rác ở nhiều chương khác nhau, nhưng cách tính tỷ lệ còn chưa thống nhất. Đại biểu đề nghị với trường hợp gây thương tích cho nhiều người cần bổ sung nguyên tắc tính tổng tổn thương của những người bị hại thay vì từng người để bao quát mọi trường hợp phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm và tạo khoảng trống về định lượng giữa các khung hình phạt trong điều luật

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): Quy định đã phi hình sự hóa và bỏ lọt quá nhiều tội phạm ma túy

Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ băn khoăn về các quy định về tội phạm về ma túy. Đại biểu cho rằng Điều 249, 250, 252, 253 quy định việc đối tượng “đã bị xử lý hành chính vì hành vi này hoặc bị kết án vì tội này chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm...” mới bị xử lý hình sự là đã phi hình sự hóa và bỏ lọt quá nhiều tội phạm về ma túy.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Đại biểu lấy ví dụ Nguyễn Văn A đã có 1 lần bị xử lý hành chính về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy và có 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích, nay bị cơ quan công an bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng khối lượng dưới 0,1g. Theo quy định mới thì Nguyễn Văn A không phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bởi vì A chưa bị xử lý hành chính cũng như chưa có tiền án về hành vi này (dù có tiền án về hành vi mua bán trái phép). 

Đại biểu cho rằng đây là điều không hợp lý. “Thực tiễn cho thấy hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy gắn chặt với nhau, làm tiền đề cho nhau và trước đây quy định chung trong cùng 1 điều luật (Điều 194 BLHS 1999). Theo quy định tại Thông tư liên tịch 17/2007 của Bộ Công an – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp thì hành vi như trên phải bị xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy” – đại biểu nhấn mạnh. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nên chỉnh sửa điểm a, khoản 1 các điều 249, 250, 252, 253 theo hướng “đã bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về ma túy hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung việc chỉ giám định hàm lượng ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự trong 4 trường hợp: Chất ma túy ở thể rắn được hòa tan trong dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng; sái thuốc phiện; chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần thẳng vào Bộ luật hình sự thay vì trong nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tính thống nhất và ổn định.


Vũ Hân

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文