Để quỹ thất thu lớn, không thể thay thế bằng tăng tuổi hưu

09:25 01/06/2014

Tuần qua, khi dự luật Bảo hiểm xã hội (BHXH sửa đổi) đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động để tránh “vỡ quỹ lương hưu”, ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đại biểu Quốc hội. Hầu hết ý kiến thảo luận tại tổ cho rằng, tuổi nghỉ hưu đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động, chỉ một số đối tượng được kéo dài, quy định tại Điều 187, các luật phải tuân thủ quy định này. Lý do “vỡ quỹ lương hưu” theo các đại biểu là không thuyết phục, đó chỉ là cái cớ để cơ quan soạn thảo “chụp mũ”.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX... cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Với quy định này, tuổi nghỉ hưu của nam tăng thêm 2 tuổi, trong khi nữ tăng tới 5 tuổi so quy định hiện hành của Bộ luật Lao động (nam 60, nữ 55).

Trao đổi với Báo CAND, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng tỏ rõ quan điểm: “Tuổi nghỉ hưu đã ghi rõ tại Điều 187, Bộ luật Lao động, không có bất cứ luật nào, không có bất cứ lý do gì để quy định trái bộ luật này”.

- Nhưng cơ quan soạn thảo cho rằng, quỹ lương hưu sẽ “vỡ” nặng nếu không tăng tuổi nghỉ hưu?

Hiện về dự luật BHXH có nhiều vấn đề sửa đổi, trong đó có việc đề nghị nâng tuổi hưu. Vấn đề này chính người lao động họ cũng không đồng tình. Lấy lý do để bảo đảm quỹ BHXH không bị thâm hụt nên cần có lộ trình nâng tuổi hưu, đấy là vô lý. Tôi nói thẳng, thâm hụt quỹ BHXH có nhiều nguyên nhân. Hiện ta mới thu quỹ được có hơn 20% của số người phải đóng bảo hiểm xã hội, còn hơn 70% nữa ta chưa thu được, thế thì vỡ quỹ là do không thu được, bị thất thu, mà trách nhiệm để thất thu trước hết là thuộc ngành BHXH, sao lại đẩy sang chuyện nâng tuổi hưu?

- Ngành BHXH để thất thu quỹ lớn, trong khi họ vẫn ung dung xài 3% quỹ để nuôi bộ máy?

Những người đóng bảo hiểm lại trích ra ba phần trăm để nuôi bộ máy của BHXH. Lẽ ra bộ máy này phải được lương của nhà nước nhưng lại lấy tiền của người đóng bảo hiểm, đây là vấn đề bất cập.

- Đi tiếp xúc cử tri, ông có thấy công nhân ở các nhà máy, công trường, xí nghiệp muốn nâng tuổi hưu không?

Làm gì có, công nhân lao động nặng nhọc, họ muốn nghỉ hưu sớm để bảo đảm sức khỏe, có ai muốn kéo dài. Phải thấy rằng, đối với người lao động nặng nhọc, công nhân lao động trực tiếp thì tuổi nghỉ hưu đã quy định tại Bộ luật Lao động. Mà Bộ luật Lao động mới có hiệu lực hơn 1 năm nay. Khi thảo luận Bộ luật Lao động cũng có nhiều ý kiến đề nghị nâng tuổi hưu, nhưng Quốc hội thấy rằng trong điều kiện hiện nay việc nâng là không hợp lý, cần giữ nguyên. Bộ luật quy định như vậy đòi hỏi các luật phải thống nhất, thế nhưng nay mỗi luật lại “đẻ” thêm một tuổi nghỉ hưu khác nữa là không được. Công nhân đi làm việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ xảy ra mấy việc. Một là không đảm bảo sức khỏe lao động, rồi hay xảy ra tai nạn lao động. Khi họ đã già cả, không có sức khỏe, sức yếu, mắt kém thì đương nhiên xảy ra tai nạn lao động. Do đó, khối lao động sản xuất cần phải giữ nguyên, không tăng.

- Lao động nặng nhọc không muốn tăng, ông lý giải vì sao chỉ khối hành chính ngồi điều hòa, máy lạnh muốn kéo dài?

Muốn tăng là ở khối hành chính, sự nghiệp, khối hành chính nhà nước. Họ ngồi điều hòa, máy lạnh, làm việc thư thái thì muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nhất là những người đảm nhiệm các vị trí có bổng lộc, nghỉ hưu là nghỉ bổng lộc, nghỉ mất bổng lộc thì ai muốn nghỉ?

- Ông nghĩ sao khi Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của người lao động, vậy mà nhiều luật khác không tuân thủ, lại “đẻ” ra các quy định riêng để nâng tuổi hưu? 

Về độ tuổi lao động, nhóm đối tượng được kéo dài tuổi hưu đã quy định cụ thể ở Điều 187- Bộ luật Lao động rồi, đối tượng được tăng có rồi, vậy làm sao lại có đặc cách khác? Tôi cũng thấy rằng, hiện lao động trẻ chúng ta rất nhiều, sinh viên tốt nghiệp các trường ra thất nghiệp rất lớn, nay lại kéo thêm tuổi nghỉ hưu thì làm sao các cháu có cơ hội làm việc, làm sao chen được?

- Cái cần làm là...

Cho nên, tôi nói rõ là không đồng tình tăng tuổi hưu. Cái ta cần làm là phải làm sao nâng đối tượng đóng BHXH cho nhiều, có chế tài xử lý những nơi trốn nợ đọng BHXH.

- Một số dự luật khi trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tìm cách “gài” lợi ích nâng tuổi hưu. Chẳng hạn, dự luật Viện KSND, TAND sửa đổi quy định nâng tuổi hưu cho kiểm sát viên VKSND tối cao, thẩm phán TAND tối cao hơn 5 tuổi trong khi các thẩm phán, kiểm sát viên còn lại yên vị?

Bộ luật Lao động quy định, chỉ có người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm. Hiện nay các luật quy định tuổi hưu phải tuân thủ quy định này của Bộ luật Lao động. Thứ hai, phải xác định tuổi nghỉ hưu khác, tuổi hành nghề khác. Tuổi hành nghề nếu quá sáu mươi rồi nhưng anh vẫn có năng lực, có khả năng thì vẫn tiếp tục hành nghề. Còn những đối tượng được mở rộng tuổi hưu thì vẫn phải nhất quán là không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo. Các luật phải tuân thủ quy định, đảm bảo thống nhất, không thể “gài” lợi ích với lý lẽ này, lý do kia được.

- Cảm ơn ông!

“Tiền các anh không thu được, lỗi tại ai”?

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) viện dẫn, ở nhiều nước còn đấu tranh để giữ nguyên hoặc giảm tuổi nghỉ hưu. Việc chúng ta lấy lý do vỡ quỹ lương để tăng tuổi nghỉ hưu là vô lý, không thể biện bạch được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do không thu được tiền BHXH của hàng triệu lao động và hàng chục nghìn tỉ đồng nợ đọng. “Tiền các anh không thu được thì lỗi tại ai. Để không vỡ quỹ có nhiều cách chứ không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu” - đại biểu nói. Trong khi đó, nhiều đại biểu bất ngờ với việc kéo dài tuổi hưu của lao động nữ lên tới 60, khi mà độ tuổi này phải được nghỉ ngơi. Ông Phạm Trường Dân (Quảng Nam) gay gắt: “Hàng vạn sinh viên ra trường không có việc phải bán nước chè, kéo xe thuê, trong khi họ có đủ năng lực, trình độ để kế nhiệm. Cứ kéo dài tuổi hưu thì sướng cho... các cụ mà làm khổ các cháu” - ông Dân bức xúc.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) tỏ ra ngạc nhiên, ông nói đã hỏi nhiều nhà khoa học, họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy? Bàn về nguyên do sâu xa, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lý giải, lý do dẫn đến vấn đề trên là liên tục tăng lương nhưng không kèm theo tăng năng suất lao động, trong khi bộ máy hành chính thì liên tục phình to. Giờ có tình trạng cán bộ “ngồi mát bát vàng”, họ muốn kéo dài thời gian hưởng thụ. Trong khi đó, có ý kiến nói thẳng, không biết BHXH thuộc loại hình tổ chức gì mà để nợ BHXH gia tăng, tình trạng trốn, tránh BHXH diễn ra phổ biến, thất thu BHXH không ai chịu trách nhiệm, còn nhân viên BHXH cứ hết tháng lĩnh lương, 3 năm một lần tăng lương đều đều...

Điều 187 - Bộ luật Lao động:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 59. Tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán (dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi)

1. Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được nghỉ hưu và hưởng lương hưu khi đủ 65 tuổi.

2. Thẩm phán khác được nghỉ hưu và hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật lao động.

Minh Đăng

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文