Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng: Dự thảo báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020"; Sơ kết 1 năm thực hiện ba Nghị quyết 04, 05, 06 ngày 8/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóaVII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch vững mạnh.
Hội nghị thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân giai đoạn 2020 - 2025"; Nghị quyết của Trung ương Hội về "Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tốt vai trò trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại”…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là đại dịch COVID-19, bão, lũ, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Trung đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là các cấp Hội đã lãnh đạo cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020; các chỉ tiêu thi đua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và phát triển bền vững. Đời sống của hội viên, nông dân được đảm bảo. Đặc biệt, nông nghiệp, nông thôn vẫn luôn là bệ đỡ cứu cánh của nền kinh tế, nền tảng cho ổn định đời sống xã hội trong thời kỳ khó khăn.
Theo ông Thào Xuân Sùng, các chính sách đất đai và vai trò của kinh tế nông hộ đã đem lại nhiều thành công, nhưng đến nay động lực đó dần mất đi khi nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong và ngoài nước; nông dân thiếu năng lực liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản với thị trường.
Hiện mới chỉ có gần 10% doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm, thủy sản, quy mô đầu tư nhỏ lẻ, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 90%, khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng. Bên cạnh đó, phần lớn hộ gia đình nông dân còn thu nhập thấp, lúng túng trong chuyển đổi và thích ứng với thị trường cạnh tranh; nguồn lực hạn chế, sản xuất nông, lâm, thủy sản bấp bênh, năng suất, chất lượng giá trị còn thấp.
Nêu lên phương hướng nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Hội Nông dân Việt Nam phải thực hiện một cách quyết liệt vai trò trung tâm và nòng cốt nhằm tạo ra sự chuyển đổi lớn về nhiều mặt, trong đó điểm mấu chốt là tư duy về nông nghiệp.
Theo đó, mỗi cán bộ, hội viên nông dân cần nhìn nhận ngành Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là ngành sản xuất vật chất mà là ngành kinh doanh nông nghiệp và coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các cấp Hội cần đổi mới tư duy, chuyển từ sản xuất sang kinh doanh nông, lâm, thủy sản để thực hiện có hiệu quả mối quan hệ liên kết "6 nhà" mà doanh nghiệp là "bà đỡ" và người nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp…