Hiện vật “kể chuyện” Ngày Độc lập

06:26 03/09/2020
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945 - Ngày Độc lập, thời khắc thiêng liêng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử được khắc họa từ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm 1945, về ngày Lễ Độc lập đã được “kể” lại một cách trực quan, sinh động bằng các tài liệu, hiện vật tại Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”, đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo từng hiện vật, những câu chuyện lịch sử cách đây 75 năm lần lượt hiện về…

Những hiện vật kể chuyện

Những ngày Tháng Tám lịch sử, nhiều lượt du khách đến tham quan Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”. Hầu hết mọi người đến đây đều muốn được tận mắt ngắm những tài liệu, hiện vật quý đã gắn bó và làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại cách đây 75 năm, để có thêm hiểu biết về mốc son lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do…

Những vũ khí được nhân dân Việt Nam sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Ảnh:Báo tintuc

Nhiều khách tham quan đã rất xúc động khi đứng trước bộ quần áo kaki mà Bác Hồ đã mặc khi tham gia nhiều sự kiện quan trọng sau Cách mạng Tháng 8. Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bộ quần áo màu vàng nhạt được đặt may trong thời gian Bác ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô kể lại, khi từ chiến khu về Hà Nội, Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần soóc và đeo chiếc túi dết bạc màu, nên chính bà đề nghị Bác và các vị chủ chốt cần có bộ quần áo trang trọng để ra mắt quốc dân đồng bào. Bộ quần áo kaki này do ông chủ hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống may đo từ bộ quần áo có sẵn của ông Trịnh Văn Bô.

“Bộ quần áo cũ, bạc màu, trên cổ áo có chỗ bị sờn rách, sau đó được Người mặc ở nhiều sự kiện: Chủ trì cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, đi nước ngoài, gặp Việt kiều tại Pháp. Bộ quần áo được đưa về bảo tàng năm 1958 và đến năm 2008 Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gặp bà Minh Hồ để bà xác minh rõ về bộ quần áo này”, chị Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia kể.

Sưu tập vũ khí gồm: Súng kíp, dao găm, mã tấu, gậy tầm vông, giáo mác... là những thứ được nhân dân sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng.

Đó là con dao ông Nguyễn Văn Tùng ở Vĩnh Yên dùng bảo vệ đồng chí Hoàng Văn Thụ năm 1941. Mã tấu thanh niên xã Bách Lộc (Phú Thọ) dùng tham gia bảo vệ chính quyền địa phương vào tháng 8-1945. Chiếc kèn gắn với sự kiện ông Bùi Hoành Chử, mục sư hội giáo Tin lành dùng để tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây năm 1945...

Trưng bày còn giới thiệu bản viết tay “Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); Bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; “Mệnh lệnh khởi nghĩa” của Ủy ban Chỉ huy Lâm thời Khu Giải phóng ngày 12-8-1945 do đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ký; Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945...

Bên cạnh đó, nhiều tư liệu, hiện vật quý khác được giới thiệu trong trưng bày như Tuyên bố của phái đoàn chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế ngày 30-8, chiếu thoái vị của vua Bảo Đại để chuẩn bị cho ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chiếc bàn Bác Hồ ngồi viết Bản Tuyên ngôn Độc lập; sưu tập những lá cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh như lá cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước tổng khởi nghĩa, cờ Đội Việt Nam Giải phóng quân dùng trong ngày tiến quân về đánh chiếm tỉnh lị Thái Nguyên ngày 20-8-1945, lá cờ Việt kiều Paris (Pháp) treo trong mít tinh mừng Việt Nam độc lập vào tháng 9…

Những hình ảnh, tài liệu về Lễ Độc lập ngày 2-9-1945 lịch sử cũng được giới thiệu khá đầy đủ, trong đó có lời kể của những nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc như câu chuyện kể của ông Phạm Hồng Cư, sinh năm 1926 - Đội viên Trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập ngày 2-9-1945; bà Lê Thi, sinh năm 1926, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình…

Cũng tại trưng bày, lần đầu tiên Bảo tàng giới thiệu hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2-9-1945 đến 17-10-1945. Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu nhiều hiện vật về nước Việt Nam độc lập: Tem bưu chính: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng con tem do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương phát hành bằng cách in đè lên con tem dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Độc lập Tự do Hạnh phúc. Bưu chính 30 xu, lưu hành năm 1945”; Chiếc hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân Quảng Bình; Bản viết tay bài Tiến quân ca - Quốc ca do chính nhạc sỹ Văn Cao viết và ký tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)…

Bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Có thể nói, hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được giới thiệu trong Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9” đều là những hiện vật quý hiếm, trong đó có nhiều hiện vật là bản gốc đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trưng bày được tổ chức nhằm góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do... để từ đó bồi đắp tinh thần yêu nước cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, để cộng đồng cùng chung tay, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng gia đình đến tham quan trưng bày, chị Nguyễn Thu Nga (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào không gian trưng bày “Ngày Độc lập 2-9” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là sự xúc động và tự hào. Xúc động bởi chị tận mắt được nhìn thấy rất nhiều hiện vật, tài liệu đặc biệt, liên quan đến những mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc, tự hào bởi truyền thống bất khuất, anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

“Ngắm những hiện vật trưng bày tại đây, tôi phần nào hình dung được khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cách đây 75 năm”, chị Nguyễn Thu Nga xúc động nói. Còn với Phạm Văn Đạt, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì các hiện vật trong trưng bày này đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử của dân tộc.

“Trước đây, chúng em chỉ biết về lịch sử thông qua sách, báo và các bài giảng của thầy, cô giáo. Nhưng đến với trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”, được ngắm nhìn những hiện vật, tài liệu quý, chúng em hiểu rõ hơn về những khó khăn, gian khổ của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam, từ đây chúng em hiểu và trân trọng hơn lịch sử dân tộc, để rồi thấy yêu đất nước mình hơn, để sống tốt hơn và có những đóng góp có ích cho đất nước” - Phạm Văn Đạt bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, là lớp người sinh ra cùng Cách mạng Tháng Tám, lớn lên sau Cách mạng Tháng Tám, lại học về lịch sử, nên ông đã được đọc nhiều, học nhiều về sự kiện Cách mạng Tháng Tám.

Nhưng khi được xem trưng bày về “Ngày Độc lập 2-9”, ông rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến nhiều tài liệu, hiện vật gốc vô cùng quý hiếm trong sự kiện trọng đại của lịch sử cách đây 75 năm. Từ quá trình tiến tới Cách mạng Tháng Tám như thế nào, ngày Quốc khánh ra sao, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

“Trăm nghe không bằng mắt thấy, khi đọc tài liệu, sự xúc cảm có mức độ thì khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ gầy gò, ốm yếu, những cái lán đơn sơ, nhìn sưu tập những vũ khí thô sơ… đều đọng lại cho người xem cảm xúc lớn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ xúc động nói. Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, trưng bày mở cửa đón khách trong dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 có ý nghĩa rất lớn, giúp công chúng một lần nữa được điểm lại các sự kiện, mốc quan trọng gắn với lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, từ đó nhận rõ giá trị của độc lập, của tự do.

“Công chúng tham quan trưng bày để hiểu thêm về những khó khăn của đất nước trong những ngày đầu thành lập và thấy được rằng, để có được một đất nước Việt Nam phát triển, hội nhập như hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ và nỗ lực rất lớn trong suốt 75 năm qua”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Phương Lan

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文