Họa sỹ Lê Bá Đảng triển lãm kỷ niệm 55 năm giải phóng Thủ đô

10:37 12/10/2009

Hoạ sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại Quảng Trị, sang Pháp năm 1939, học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành họa sĩ nổi tiếng châu Âu. Năm 1989, ông được nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1994, ông được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Năm 2005, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng danh hiệu "Vinh danh đất Việt".

Triển lãm mỹ thuật Lê Bá Đảng vừa khai mạc chiều 9/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là triển lãm đầu tiên quy mô nhất của ông tại Hà Nội. 54 tác phẩm và 17 ảnh in laminet với nhiều chất liệu khác nhau, tranh đắp giấy, sơn dầu,  acrylic, màu nước, tranh in, gỗ, kim loại, bê tông và cả xác máy bay lần đầu tiên ra mắt công chúng Thủ đô.

Đấy được coi là những sáng tác tiêu biểu của họa sĩ trong nhiều năm cầm cọ. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tại sao ông chọn mang theo những bức họa này, họa sĩ chỉ cười, “tôi thích thì mang theo chúng mà thôi”.

Với Lê Bá Đảng, dường như ông chưa dừng lại ở một đỉnh cao nào, ông coi các giải thưởng chỉ là cách để công chúng biết đến các tác phẩm của mình. Khi nói về các giải thưởng, ông bảo, “tôi chỉ nhớ nhất một ngày, ngày Lê Bá Đảng ở New Orlean, ngày đó, các tác phẩm của tôi được đến rộng rãi với công chúng”.

Lê Bá Đảng thật giản dị trong cách nói chuyện vẫn mang nét hồn hậu của người dân miền Trung, lại vừa có cái vẻ lịch lãm hài hước của người Pháp. Trong ngôi nhà của ông ở quận 13, TP Paris, một ngôi nhà sang trọng nhưng đầy ắp cả một không gian thuần Việt, ông gìn giữ chất Việt thuần khiết từ trong lối sống đến sáng tác của mình, từ cái cơi mẹ đựng trầu ngày xưa, đến từng viên đá, từng bước chân giao chỉ, hay hạt gạo của làng quê ông. Cái chất Việt ấy như một nguồn mạch chảy trong huyết quản người nghệ sĩ, và thăng hoa trên những nét vẽ, hào hoa, sang trọng và chứa đầy minh triết Phương Đông.

4 bức sơn dầu Ngựa gióng, 3 bức trên toan Acrylic về Đường mòn Trường Sơn, những Cõi mơ, Cõi thiền, Thiền xanh, và rất nhiều không gian Lê Bá Đảng với những cách trưng bày khác nhau, sắp đặt, tranh gỗ, bê tông… khiến người xem lạ lẫm, thích thú.

Phá vỡ mọi cấu trúc về không gian và hình khối, không gò mình vào một khuôn khổ chất liệu nào, sáng tác một cách ngẫu hứng, đó là phong cách Lê Bá Đảng. Ông chọn cho mình những chất liệu thể hiện độc đáo, "Tây không có mà ta cũng chưa từng có", cách làm ông tự cho là "không giống ai". Đó là cách ông lấy xác máy bay B52 làm thành hàng loạt bức tranh. Ông tự hào về ý tưởng của mình, "tôi lấy xác máy bay để làm nghệ thuật chứ không phải đi gieo... chết chóc". Ông đã làm nên những biểu tượng văn hoá, bằng những bức tranh sang trọng, mà theo cách nói của nhà văn Tô Nhuận Vĩ, thể hiện tinh thần "thượng viện" của văn hóa Việt Nam.

Bức tranh "Mặc áo cho cây" của họa sĩ Lê Bá Đảng tại triển lãm.

Năm 1992, sau hơn nửa thế kỷ rời xa quê hương, ông trở về tổ chức triển lãm của mình tại nơi ông ra đời, làng Bích La, Triệu Phong, Quảng Trị. Và cũng năm đó, người Anh đã bầu chọn ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới.

Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng đã trình diễn khắp nơi, từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản,… "Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật tinh tế và uyển chuyển của một tâm hồn phương Đông vừa hồn nhiên vừa trầm mặc sâu lắng với tiết tấu mạnh mẽ khoáng đạt của phong cách nghệ thuật phương Tây"… Và bao giờ cũng vậy, tranh của ông luôn có những gam đỏ, biểu tượng cho sức sống và tinh thần "thượng viện" (cách nói của nhà văn Tô Nhuận Vĩ) của văn hóa Việt Nam.

Năm 2006, một không gian Lê Bá Đảng đã ra đời tại Huế, bên dòng sông Hương thơ mộng, ở đó, người ta dành một vị trí sang trọng nhất để trưng bày các tác phẩm của ông. Ông còn ấp ủ rất nhiều dự định, muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, bởi với ông nghệ thuật là sự giao thoa giữa con người và vũ trụ. Nghe nói, ở Huế đã dành cho ông hơn 20ha đất có đủ cây xanh hồ nước để ông thoả chí thực hiện những ấp ủ của mình, ông muốn biến mỗi khu vườn ở Huế thành những khu vườn nghệ thuật. Rồi ông còn mơ ước làm một bức tranh dài về nước Việt, "tranh mà không phải là tranh", mỗi người có thể bước lên tranh, đi dạo trên tranh. Ông còn dự định "làm" một bức tranh dưới mặt nước và người xem có thể đi những chiếc thuyền đáy làm bằng kính để thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Uớc mơ và khao khát sáng tạo luôn canh cánh trong tâm hồn người nghệ sĩ, dù năm nay ông đã gần 90 tuổi. Cái khao khát làm sao để tìm kiếm được nét riêng của nghệ thuật Việt Nam, để Việt Nam có một nền nghệ thuật độc đáo cùng bạn bè năm châu thưởng ngoạn, không Tây, không Tàu, chỉ thuần Việt Nam mà thôi.

Vậy nhưng khi được hỏi, ông có chịu ảnh hưởng của trường phái nào trong sáng tác của mình không, ông cười, không ai, chỉ có văn hóa Việt Nam

Hà Khánh Linh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文