Hơn 18.000 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá dịp 2-9
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá năm 2015
- Trại giam Thủ Đức trước ngày đặc xá: Mong mỏi ngày về
- Trại giam số 6 sẵn sàng cho đợt đặc xá năm 2015
- Hậu Giang: Đề nghị đặc xá cho trên 230 phạm nhân
- Chuẩn bị tốt các điều kiện cho đợt đặc xá
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, thời gian qua, các tổ thẩm định liên ngành (gồm đại diện Bộ Công an, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước…) đã tiến hành thẩm định trên 18.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, và Bộ Quốc phòng quản lý.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Để việc xét duyệt danh sách bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hội đồng Tư vấn phải xem xét từng trường hợp đề nghị đặc xá một với quy trình chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Để công tác đặc xá và hậu đặc xá năm 2015 đạt kết quả tốt, các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân chung tay giúp người được đặc xá xoá bỏ mặc cảm tội lỗi.
Tránh kỳ thị đối với người được đặc xá, đồng thời làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “việc triển khai thực hiện công tác đặc xá phải đảm bảo công khai, minh bạch, không để sót những người có đủ điều kiện mà không được xét đặc xá, nhưng cũng không để lọt những người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá…”
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Quyết định về đặc xá 2015. Cụ thể, sau khi có Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá theo quy định và có kế hoạch triển khai thực hiện.
Các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức phổ biến Quyết định về đặc xá 2015 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá cho tất cả CBCS, phạm nhân hiểu rõ về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá, niêm yết công khai và danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá tại các buồng giam, nơi thăm gặp để phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết. Việc xét duyệt tại các trại giam, trại tạm giam được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo tiến độ thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá. |
Các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá đã kiểm tra tại nhiều công an địa phương, trại giam, điển hình là đoàn kiểm tra do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã kiểm tra tại Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trại giam Xuân Lộc, Xuyên Mộc…
Các đoàn kiểm tra đều khẳng định việc triển khai thực hiện, lập hồ sơ, xét duyệt đề nghị đặc xá cho các phạm nhân đều đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật, đúng với quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá 2015 và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Luật Đặc xá, Nhà nước ta đã thực hiện 05 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 02 đợt) đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.499 phạm nhân và 678 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm thấp. Qua theo dõi đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), sau một năm thực hiện đặc xá (tính đến ngày 1/9/2014), số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật là 114 người, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số 15.523 người được đặc xá. Vì vậy, mặc dù số lượng người được đặc xá đông nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Điều đó cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về đặc xá; là cơ sở quan trọng để đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. |