Không miễn trách nhiệm với các cá nhân tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém

14:54 20/11/2017
Chiều 20-11, với 436/444 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng – dự án luật mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tha thiết mong ĐBQH thông qua khi trả lời chất vấn ngày 16-11 vừa qua. Tuy vậy, một số nguyện vọng của Ngân hàng Nhà nước đã không được đáp ứng.


Tổ chức tín dụng có lãi 2 năm liền mới được nhận chuyển giao bắt buộc

Đáng chú ý, trong phiên bản được thông qua, Quốc hội đã bỏ điều khoản miễn trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng, dựa trên tiếp thu ý kiến của các đại biểu. 

Tại các phiên thảo luận trước đó về dự án luật này, một số ĐB không đồng tình về quy định việc miễn trách nhiệm hoặc quy định trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) vì đã có quy định tại các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Cán bộ, công chức…  Dù Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng cần có điều khoản này để thu hút các cán bộ giỏi chuyên môn tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, để họ yên tâm làm việc, nhưng lập luận này chưa thuyết phục được các ĐBQH.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến ĐB với lý do tránh xung đột pháp lý khi xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức và các trách nhiệm dân sự, hình sự khác.

Về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt (Mục 1đ) – một điều khoản cũng gây rất nhiều tranh cãi vì liên quan đến quyền tài sản đã được hiến định, một số ĐB đề nghị bổ sung tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc (về năng lực quản lý, điều hành, năng lực tài chính...) để bảo đảm vừa phục hồi được bên chuyển giao, đồng thời không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của bên nhận chuyển giao. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định rõ hơn tại Điều 151đ của dự thảo Luật, theo đó, bên nhận chuyển giao là TCTD phải có: Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm đề nghị; Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 130 Luật các TCTD; Có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi, trong đó bao gồm nội dung chứng minh bên nhận chuyển giao có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn theo phương án. Bên nhận chuyển giao không phải là TCTD thì phải là pháp nhân và đáp ứng các tiêu chí thứ nhất và thứ ba như đối với trường hợp bên nhận chuyển giao là TCTD.

Tỷ lệ ĐBQH tán thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng

Hỗ trợ người gửi tiền nếu ngân hàng phá sản: phụ thuộc vào nguồn lực từng thời kỳ

Về phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt (Mục 1e), một số ý kiến đề nghị trong trường hợp không thực hiện được phương án chuyển giao bắt buộc và phá sản TCTD yếu kém thì cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng. Giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật đã bổ sung thêm phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho TCTD thêm cơ hội để phục hồi. 

Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của TCTD đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường. Do vậy, xin giữ quy định như dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các TCTD bị phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ; cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực Nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, chi trả trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được đầy đủ do khi thanh lý tài sản của TCTD không đủ để thu hồi; đề nghị tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi. 

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 146 của dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. 

Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy xin không quy định trong Luật.

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách

Lý giải ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại TCTD, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong cơ cấu lại các TCTD; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận: 

Mặc dù Dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế; nhưng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại TCTD, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.

Vũ Hân

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng  TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Sau khi nhiều người dân tố cáo việc bị bà Nguyễn Thị Kim T (SN 1982, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 300 tỷ đồng, ngày 14/2/2023 Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà T và tiến hành xác minh vụ việc…

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Chiều 1/1/2025, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của tổ công tác sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người vi phạm giao thông, nhất là lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文