Không thành lập mới lực lượng chống khủng bố
Quy định 9 nhóm biện pháp phòng ngừa và 12 nhóm biện pháp khẩn cấp chống khủng bố
Dự án Luật Phòng, chống khủng bố do Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với một số cơ quan khác như Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Nội vụ... soạn thảo. Trên cơ sở tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố ở nước ta cũng như tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, dự luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố; bảo đảm phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn Việt Nam và tính khả thi của luật, góp phần đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả với loại hoạt động nguy hiểm này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Hoàng Long. |
Dự luật quy định chính sách của Nhà nước trong phòng, chống khủng bố, trong đó khẳng định: Nhà nước ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố và lực lượng khác tham gia chống khủng bố; lên án và nghiêm trị mọi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật. Lực lượng CAND chủ trì, phối hợp với QĐND là nòng cốt trong phòng, chống khủng bố. Việc phòng, chống khủng bố quán triệt nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
9 nhóm biện pháp cơ bản trong phòng ngừa khủng bố được quy định trong luật. Đó là thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố; quản lý về an ninh, trật tự; kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh; kiểm soát hoạt động giao thông vận tải; kiểm soát giao dịch tiền, tài sản; kiểm soát hàng hóa, phương tiện nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, internet và các hình thức thông tin khác; kiểm soát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi làm lây lan dịch bệnh gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án chống khủng bố. 9 nhóm biện pháp này được quy định xuất phát từ thực tế là phòng ngừa khủng bố được thực hiện bằng nhiều hoạt động, trên nhiều lĩnh vực, do nhiều chủ thể tiến hành và được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành. Mặt khác, nhiều hoạt động phòng ngừa khủng bố là biện pháp nghiệp vụ thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác.
Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh chống khủng bố, dự thảo luật quy định 12 nhóm biện pháp khẩn cấp chống khủng bố để chặn đứng, bắt giữ, bao vây, phong tỏa, tiêu diệt đối tượng khủng bố. Trong đó, có các biện pháp bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố; giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân, cách ly người, di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm của khủng bố; đàm phán, thương thuyết với đối tượng khủng bố và có thể tạm thời chấp nhận yêu sách của đối tượng khủng bố vì sự an toàn của con tin, của nhân dân...
Lực lượng chuyên trách được chuẩn hóa trên cơ sở lực lượng hiện có
Về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, Bộ trưởng cho biết, hiện trong CAND, QĐND đã có sẵn lực lượng này. “Do đó, quy định trong dự thảo luật về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố không làm phát sinh về biên chế và tổ chức, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của lực lượng hiện có. Việc giao thẩm quyền tổ chức lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp với yêu cầu phòng, chống khủng bố” - Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.
Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không thành lập lực lượng chuyên trách riêng, mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có (như các lực lượng an ninh, tình báo, tác chiến, Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, đặc công, phòng cháy chữa cháy…) để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra. Lực lượng này khi được điều động tham gia chống khủng bố thì có thể gọi là lực lượng thi hành các biện pháp chống khủng bố (tương tự như quy định của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp).
“Nếu xây dựng lực lượng chuyên trách chỉ thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố sẽ gây lãng phí do đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực. Do vậy, chỉ nên giao nhiệm vụ này cho các lực lượng, đơn vị chủ chốt sẵn có như cách làm hiện nay để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra” - báo cáo thẩm tra nêu quan điểm.
Việc ban hành luật sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận quốc tế Đánh giá tác động dự án luật, Bộ Công an cho rằng, đây là một bước tiến trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, Luật Phòng, chống khủng bố cũng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Luật Ngân hàng, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông... Trước tình hình khủng bố trong khu vực và trên thế giới tiếp tục còn nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm khủng bố tại các quốc gia tìm cách liên kết chặt chẽ với nhau, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm tấn công vào trụ sở cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện nước ngoài, chính khách, những nơi đông người… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng quốc tế, thì việc Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống khủng bố sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận quốc tế và các nước, nhất là các nước lớn, các nước có thù địch với khủng bố, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố nói riêng với các quốc gia, tổ chức quốc tế có cùng quan điểm về phòng, chống khủng bố với nước ta. Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm 48.173 người thiệt mạng, 86.045 người bị thương và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay đã có 4 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý. |