Không thông qua Bộ Luật Hình sự trước khi sửa tối đa các sai sót
- Đề nghị sửa đổi căn bản Bộ luật Hình sự 2015
- Bổ sung “cỏ Mỹ”, lá “Khat” vào danh mục chất ma tuý trong Bộ luật hình sự
- Chính phủ thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015
Với quan điểm cho rằng Quốc hội khóa XIII không những trao trách nhiệm cho Quốc hội khóa XIV sửa đổi những điều bất hợp lý trong Bộ Luật Hình sự 2015, mà còn để lại một bài học về hậu quả khi phải chịu sức ép thời gian, tuyệt đại đa số các đại biểu đều cho rằng chỉ nên thông qua Bộ luật này khi đã xem xét và sửa đổi kỹ toàn bộ những bất hợp lý được phát hiện.
Đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) bày tỏ nhất trí với quan điểm của Uỷ ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi dự án luật này, tức là không cần thiết phải thông qua ở một hoặc hai kỳ họp để tránh gây sức ép về mặt thời gian. Đại biểu cho rằng, hiện BLHS 1999 vẫn đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm, nên để xây dựng một bộ luật tiến bộ hơn, khoa học hơn thì cần chuẩn bị thật kỹ hãy thông qua.
Đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) nhấn mạnh, đây là đạo luật lớn quy định về tội phạm và hình phạt, là cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nên nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, việc sửa đổi phải căn bản, thận trọng, tránh sửa xong vẫn còn sai sót, đảm bảo chất lượng thì mới thông qua trong các kỳ họp tới.
Đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận buổi sáng |
Nhiều người khác như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Tô Văn Tám (Kon Tum), Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận), Đào Thanh Hải (Hà Nội)... cũng nhấn mạnh không nên cứng nhắc trong sửa đổi 141 điều Tờ trình nêu ra, mà nguyên tắc là phải loại bỏ hết các vướng mắc khi ban hành, sửa đổi, bổ sung tối đa những sai sót đã phát hiện được và tiếp tục rà soát để phát hiện đầy đủ hơn những sai sót của BLHS 2015.
Cũng cùng quan điểm sửa đổi triệt để, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) lại cho rằng nên thông qua trong 2 kỳ họp chứ không đặt vấn đề bao giờ yên tâm mới thông qua, bởi như vậy sẽ không có mốc cụ thể, không có giới hạn thời gian, không có động lực để đại biểu quyết tâm hoàn thiện luật. Một số đại biểu còn cho rằng, để Quốc hội yên tâm hơn khi bấm nút thông qua, cần tiếp tục có phân tích nhiều hơn, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà chuyên môn và cung cấp cho đại biểu những báo cáo tác động để đại biểu cân nhắc. Riêng các điều hiện còn ý kiến khác nhau thì tách ra để xin ý kiến trước từng điều một, giảm tối đa khả năng xảy ra sai sót.