Kỷ niệm trọng thể 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại
Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; cùng nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện các Bộ, Ban, ngành của Trung ương và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Đến dự lễ kỷ niệm còn có GS.TS Bui-a-nốp, Trưởng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga - Việt và một số cán bộ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Hôm nay, ngày 7-11, trong không khí cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2007 và chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, với niềm tin mạnh mẽ vào tiền đồ của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên tất thắng của cách mạng Việt Nam, chúng ta long trọng kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Năm 1917, giữa lúc khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất chưa chấm dứt, Cách mạng Tháng Mười Nga do lãnh tụ thiên tài V.I. Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo đã bùng nổ, nhằm thẳng vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc thời bấy giờ, đập tan xiềng xích của chế độ Sa hoàng, làm rung chuyển dữ dội thế giới tư bản chủ nghĩa, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử nhân loại.
Đây là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một quốc gia rộng lớn, ở đó đã thiết lập nên nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới và tiến lên thành lập Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết với diện tích gần một phần sáu địa cầu, trải dài từ châu Âu sang châu Á. Trong hơn bảy thập niên xây dựng và trưởng thành, Nhà nước Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, với lực lượng nhân dân Xô viết gồm mấy trăm triệu người giàu nghị lực, lòng quả cảm và trí thông minh, đã liên tiếp lập nên nhiều kỳ tích.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Liên Xô đã đánh thắng oanh liệt chủ nghĩa phát xít, giải phóng đất nước mình, đồng thời góp phần giải phóng nhiều dân tộc khác ở châu Âu và trên thế giới, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã đưa đất nước từ lạc hậu trở thành một cường quốc hùng mạnh về nhiều mặt, nêu tấm gương sáng về xây dựng nhà nước kiểu mới, chế độ chính trị - xã hội không có người bóc lột người, làm thành trì và chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế... Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới".
Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, được sự cổ vũ và gắn liền với chiến thắng của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều dân tộc ở châu Âu, châu Á và Mỹ - Latinh đã đứng lên làm cách mạng thành công, dẫn đến việc hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và thúc đẩy ba dòng thác cách mạng cùng phát triển vào những năm 60 và 70 của thế kỷ XX.
Đó là phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc và phong trào đấu tranh cho các quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đó còn là phong trào hoà bình cuốn hút hàng tỉ người trên trái đất kiên quyết đấu tranh bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh xâm lược và âm mưu nô dịch của các thế lực đế quốc và thực dân.
Đối với Việt Nam, tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã chiếu sáng con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng nước ta đã bằng mọi cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta. Trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Người nêu bật trên trang đầu câu nói nổi tiếng của Lênin: "Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động".
Những hoạt động phong phú ấy đã dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức cộng sản, và đến năm 1930 hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt đầy khí phách của cách mạng Việt Nam. Từ đó trở đi, cách mạng nước ta đã trải qua những chặng đường chiến đấu lâu dài với bao gian lao và thử thách, có lúc cao trào, có lúc thoái trào, để đến năm 1945 tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Tiếp đó, dân tộc ta lại phải tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước nối tiếp nhau, kéo dài suốt 30 năm và cuối cùng đã giành thắng lợi hoàn toàn, đánh thắng hai đế quốc to, quét sạch quân xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta được sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn khắp năm châu, trong đó có Liên bang Xô viết và đến lượt nó, thắng lợi của cách mạng Việt Nam lại góp phần thúc đẩy và cổ vũ các phong trào cách mạng trên thế giới...
Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga phát biểu nêu rõ: "Đối với mỗi người dân Việt Nam, nhất là những người đã từng học tập công tác tại Liên Xô, cụm từ "Cách mạng Tháng Mười" và "Liên bang Xô viết" có ý nghĩa rất thiêng liêng, luôn gợi nhớ về một cội nguồn nghĩa nặng tình sâu.
Từ những ngày còn tăm tối dưới ách thực dân, nhưng người dân Việt Nam đã biết đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, sự ra đời nhà nước Xô viết đầu tiên, như một thiên đường mà mọi người mơ ước hướng tới, và cũng biết tới nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến đó để tìm đường cứu nước cho dân tộc…".
Là người đã học tập tại Liên Xô trước đây, Thiếu tướng, Viện sĩ Trịnh Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga khẳng định: “Thời gian học tập tại Liên Xô là những năm tháng không thể nào quên. Chúng tôi không chỉ nhận được những kiến thức về chuyên ngành mà còn được những hiểu biết về văn hoá, phong tục tập quán, cốt cách, tâm hồn Nga và các dân tộc khác trong cộng đồng Liên bang Xô viết. Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến tình cảm và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Liên Xô, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”