Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng:

Làm rõ các dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng

07:55 09/12/2016
Để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong bảo vệ chính trị nội bộ cũng như nội dung, phạm vi của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, ngày 18-8-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. 


Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xem đó là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng nhằm bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn chặt với các cuộc vận động, xây dựng chỉnh đốn Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, gắn liền với việc phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.

Để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong bảo vệ chính trị nội bộ cũng như nội dung, phạm vi của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, ngày 18-8-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.

Chỉ thị nhận định “công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Các thế lực thù địch lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá chế độ XHCN ở nước ta. Chúng thúc đẩy “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) tiếp tục nhấn mạnh về công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã nêu thực trạng, tình hình và các nhóm nguyên nhân khách quan, chủ quan, chủ trương, quan điểm, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Đặc biệt Nghị quyết lần đầu tiên đưa ra 27 dấu hiệu, biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những dấu hiệu, biểu hiện đó tập trung vào 3 nhóm, gồm: biểu biện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; suy thoái đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đây là những nguy cơ đang hàng ngày đe dọa làm suy yếu về chính trị nội bộ, làm mất uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước, từ đó có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ trên cũng chính là nội dung quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được Chỉ thị 39-CT/TW xác định.

Để quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cần thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết thành các quy định của Đảng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Trong các quy định đó cần xác định rõ mức độ vi phạm của từng dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm “lượng hóa” hành vi vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp.

Cùng một hành vi, một dấu hiệu nhưng vi phạm ở mức độ đầu và vi phạm ở mức độ cuối, vi phạm nhiều lần và vi phạm lần đầu tính chất rất khác nhau nên cần có các quy định cụ thể khác nhau để vừa phòng ngừa, răn đe cán bộ vi phạm, vừa đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên.

Khi xem xét hồ sơ để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, cần làm rõ 27 dấu hiệu theo quy định xem có vi phạm điểm nào không, tính chất, mức độ ra sao. Ở đây cần thấy rằng, không phải cứ có dấu hiệu là loại trừ bởi có những hành vi thường gặp ở nhiều người như “Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...

Nếu vi phạm có tính nhất thời, ít nghiêm trọng và chỉ thuộc phạm trù lối sống, cần lấy ý kiến tập thể trước khi quyết định; nếu vi phạm thường xuyên, có tính bản chất, đặc biệt là vi phạm về các dấu hiệu quy định trong nhóm hành vi suy thoái tư tưởng chính trị thì cần làm rõ, xử lý. Những trường hợp này không làm quy trình bổ nhiệm, đề bạt và căn cứ vào mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hình sự thích hợp.

Nếu tổ chức có thẩm quyền đã bổ nhiệm những người có vi phạm theo các dấu hiệu trên thì tùy tính chất, mức độ, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giới thiệu, làm quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan trong việc làm hồ sơ, bổ nhiệm ông Thanh vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù ông Thanh vi phạm rất nhiều nội dung trong 27 dấu hiệu nói trên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cá nhân có liên quan, kể cả cán bộ là Thứ trưởng, đồng thời kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý các trường hợp còn lại theo thẩm quyền.

Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương cần tham mưu sửa đổi Quy định 57-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 3-5-2007 về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng theo hướng bổ sung các quy định chặt chẽ đối với những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm đảm bảo tính hiệu lực cho quy định mới, đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng trong bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức Đảng.

Quy định mới cần xác định rõ chủ thể, thẩm quyền, mức độ xử lý, cơ quan phối hợp xử lý, biện pháp xử lý khi phát hiện dấu hiệu suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh lạm dụng quy định của Đảng để hạ uy tín, bôi lem cán bộ, tranh giành quyền lực trong nội bộ. Chủ thể có thẩm quyền xác định dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng có đảng viên vi phạm.

Các chủ thể này thực hiện dưới sự thống nhất chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ mà cơ quan thường trực là Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương.

Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cấp theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong việc theo dõi, quản lý cán bộ, đảng viên, bảo đảm đủ năng lực, tham mưu giúp cấp ủy xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ theo đúng tinh thần trong Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016. 

Ngoài ra, cấp ủy các tổ chức Đảng, cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp cần chú trọng nắm tình hình và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, phân loại dấu hiệu nào trong 27 dấu hiệu, biểu hiện các dấu hiệu, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, tiêu cực vi phạm các quy định của tổ chức Đảng.

Chủ động rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, lao động và công tác ở nước ngoài. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương trong chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của mình triển khai các biện pháp, công tác trực tiếp đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" góp phần bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Điều này cũng vừa là hoạt động nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, vừa là nội dung thực hiện nhiệm vụ mà Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới đề ra.

TS Nguyễn Trung Kiên

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文