Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với lực lượng vũ trang và an ninh giải phóng

10:40 20/12/2010
Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: "Chúng tôi có thể thành công trong việc đương đầu chống lại mọi việc tăng quân của Mỹ… Nhân dân miền Nam và các lực lượng vũ trang của mình có thể đưa lại thắng lợi cuối cùng, bất chấp sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ như thế nào".

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban bố đạo luật phát xít 10/59 thiết lập tòa án quân sự đặc biệt có quyền đưa thẳng bị can ra xét xử, không cần mở cuộc thẩm cứu. Chúng đã lê máy chém đi khắp miền Nam. Hàng trăm ngàn người bị bắt, hàng chục ngàn người bị giết hại dã man. Nhân dân miền Nam không thể chịu đựng ách thống trị phát xít, đã bùng lên đấu tranh trở thành phong trào Đồng Khởi rộng khắp.

Ngày 17/1/1960, Đồng Khởi nổ ra ở các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, thuộc huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng, quần chúng nhân dân với vũ khí thô sơ, tự tạo, đã nhất tề nổi dậy diệt ác, phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở thôn xã. Từ cuộc nổi dậy ở Mỏ Cày thắng lợi, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại… Chỉ sau một tuần, Đồng Khởi ở Bến Tre đã giải phóng hoàn toàn được 22 xã, diệt ác phá đồn ở 29 xã và giải phóng nhiều thôn, ấp… Bắt nhịp cùng Bến Tre, các địa phương khác ở khắp miền Nam cũng vũ trang nổi dậy.

Phong trào Đồng Khởi không những đã tạo ra khí thế mới, địa bàn hoạt động mới, mà còn chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công "giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ".

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, đảng phái, tôn giáo, các dân tộc, các giới toàn miền Nam đã họp đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN). Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận lâm thời. Lúc này, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị chính quyền Diệm quản thúc ở Phú Yên. Đại hội đã thông qua tuyên ngôn chương trình hành động 10 điểm, mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà. Sự ra đời của Mặt trận là một thắng lợi lớn trong thời kỳ Cách mạng miền Nam đang chuyển sang giai đoạn mới.

Sau hai lần giải thoát cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ không thành, ngày 30/10/1961, lực lượng vũ trang Khu 5 và Phú Yên phối hợp với lực lượng An ninh đã tổ chức thành công việc giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ và đưa ông về vùng căn cứ Bắc Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam) để lãnh đạo phong trào.

Ngày 16/2/1962, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng lần thứ nhất, các đoàn thể, đại diện các dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng đã chính thức bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đại hội, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc một bản báo cáo chính trị quan trọng và công bố chương trình hành động bổ sung của Mặt trận. Bản báo cáo đã tạo được sự quan tâm lớn trong và ngoài nước. Ông cho rằng, để giành thắng lợi quyết định cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa quân sự, chính trị, ngoại giao… Tình hình chiến trường ở miền Nam lúc này diễn ra ngày càng ác liệt.

Ngày 2/1/1963, quân và dân miền Nam đánh bại chiến thuật trực thăng vận của địch ở Ấp Bắc (Mỹ Tho, Tiền Giang) và tiếp theo đánh bại chiến thuật thiết xa vận của địch ở Bình Giã… Những sự kiện này đánh dấu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt và buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Cũng trong thời điểm này, chế độ Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên sụp đổ bằng cuộc đảo chính.

Vào giữa năm 1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng lần thứ hai được triệu tập nhằm tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phân hóa cao độ hàng ngũ địch, tranh thủ hơn nữa sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, đưa cuộc chiến đấu của nhân dân ta đến thắng lợi to lớn hơn.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và đồng chí Trần Quốc Hoàn gặp gỡ các đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam.

Nhiều lần tiếp xúc với báo chí nước ngoài, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tỏ rõ lòng tin về các lực lượng vũ trang của Việt Nam, qua đó để khẳng định cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi.

Một lần nhà báo Australia Wilfred Burchett gặp và phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại căn cứ, nhà báo hỏi: "Các lực lượng Cách mạng có thể nào đứng vững được trước ưu thế trội hẳn về kỹ thuật, quân sự và về tài lực kinh tế của Mỹ? Mặt trận Dân tộc giải phóng sẽ đối phó với bộ máy quân sự mạnh nhất trên thế giới như thế nào?". Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: "Chúng tôi có thể thành công trong việc đương đầu chống lại mọi việc tăng quân của Mỹ và có thể đánh bại về quân sự đối với bọn xâm lược Mỹ trong bất cứ tình huống nào. Trên thực tế, nếu việc Mỹ không thể đưa lại một chiến thắng quân sự ở miền Nam Việt Nam là một sự thật thì cũng thật rõ ràng đối với chúng tôi, nhân dân miền Nam và các lực lượng vũ trang của mình có thể đưa lại thắng lợi cuối cùng, bất chấp sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ như thế nào".

20 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, vào tháng 4/1995, trong cuốn sách "Nhìn lại quá khứ - tấn bi kịch và những bài học về Việt Nam", ông MacNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cuối cùng đã thừa nhận: "Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy một dân tộc (Việt Nam) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó… Chúng ta đã sai lầm khủng khiếp".

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta càng thấy tự hào về tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đúng như lời Bác Hồ đã nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không có gì thay đổi"

Nguyễn Hữu Châu

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文