Ngăn chặn những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng

19:59 14/09/2017
Chiều 14-9, tiếp tục phiên làm việc lần thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. Đây là một dự án luật rất khó, liên quan đến môi trường mạng vốn không có biên giới, đối tượng không hiện hữu, nhưng sự chuẩn bị của Ban soạn thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.

Khủng bố, xâm phạm an ninh mạng đã trở thành nguy cơ toàn cầu

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh: Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thượng tướng Tô Lâm cũng dẫn ra 10 điểm làm căn cứ cho tính cấp thiết phải xây dựng dự án luật này. Đó là phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.

Dự án luật cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng. Hiện nay, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Hệ thống mạng thông tin nước ta mỗi năm phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật. 

Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. Phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng. Hiện nay, tình hình này đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là các hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia....

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày dự án luật trước Thường vụ Quốc hội

Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng, với các quy định cụ thể sẽ góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; Bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện để trình dự luật ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tư

Cho ý kiến về dự án luật này, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật và khẳng định đây là một dự án luật rất quan trọng. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải thêm việc xử lý mối quan hệ với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất và tránh sự chồng chéo. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi về việc lực lượng cán bộ, nhân lực có đủ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong luật hay không. Chúng ta sử dụng mạng trên nền hạ tầng chung của thế giới mà chúng ta không làm chủ được, vậy xử lý thế nào khi có tình huống xảy ra? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi: Đối với hành vi truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu quốc gia để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật Nhà nước, có cần yếu tố phải theo sự chỉ đạo của nước ngoài mới xử lý về tội gián điệp mạng hay không?

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Đặc trưng của tội gián điệp theo Bộ luật Hình sự là phải có liên hệ với nước ngoài. “Nếu chỉ đánh cắp thông tin thông thường mà không chuyển ra nước ngoài thì chưa cấu thành tội gián điệp. Cái này chúng tôi quán triệt tinh thần chung của Bộ luật Hình sự”. Về xử lý mối quan hệ với các luật khác, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định: “Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã tham khảo các luật và cố gắng chỉ những vấn đề đặc trưng nhất của an ninh mạng mới đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây cũng là sự cố gắng hết sức của ban soạn thảo. Qua sự phát hiện, góp ý của các đồng chí, còn những lĩnh vực chưa bao quát hết hoặc chồng lấn nhau, chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để không trùng dẫm, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo và đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình ra Quốc hội

Về đảm bảo lực lượng, nhân lực để thực hiện nhiệm vụ, Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Trong điều kiện đất nước khó khăn, chúng ta xác định đảm bảo mục tiêu phòng thủ, bảo vệ an ninh mạng quốc gia; bởi hiện trên thế giới đã xuất hiện những cuộc “chạy đua vũ trang” trên mạng với những may móc, trang bị, nhân lực hết sức tốn kém. Bên cạnh đó, dù hoạt động bảo vệ an ninh mạng của chúng ta phải thực hiện trên nền tảng mạng thông tin chung của thế giới, quốc gia nào đầy đủ khả năng, tiềm lực vươn lên được thì chi phối được không gian đó, nên Việt Nam cũng sẽ cố gắng giảm thiểu một cách tốt nhất tác động tiêu cực.

Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ “rất nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật, với những lý do trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã nói rõ”. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá rất cao việc “lần đầu tiên trong quá trình nghe luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cung cấp những minh họa rất sống động là được xem phim tư liệu, thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh mạng”. 

Chủ tịch Quốc hội “rất hoan nghênh Bộ Công an, Ban Soạn thảo đã cung cấp những thông tin trực quan sinh động” để thấy rằng Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội ban hành năm 2015 không xung đột nhau – như đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đã khẳng định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra cần phân tích sâu sắc hơn thực trạng điều chỉnh pháp luật đang được quy định đối với lĩnh vực này để thuyết phục hơn về sự cần thiết và hoàn thiện dự án luật để trình ra Quốc hội.

Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành sự cần thiết của Luật An ninh mạng để thi hành Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ chặt chẽ, đầy đủ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia trên môi trường mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo. Dự án luật đã cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới. 

Khẳng định đây là một dự án luật rất khó, liên quan đến môi trường mạng, đối tượng không hiện hữu, nhiều nội dung mới phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có sự nghiên cứu kỹ, lựa chọn kinh nghiệm các nước. Dự án Luật An ninh mạng cũng có liên quan đến các quy định của Hiến pháp, hơn 10 văn bản luật, pháp lệnh, đặc biệt liên quan trực tiếp đến Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia, nên cần rà soát thật kỹ để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất. Ngoài ra, còn một số vấn đề băn khoăn khác, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo để thẩm tra chính thức dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.


Vũ Hân

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文