Ngân hàng Nhà nước sẽ không công bố xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng
- Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam
- Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/năm quá lạc hậu
- Bảo hiểm tiền gửi: Luật cần sát thực tế
- Ai được bảo hiểm tiền gửi?
ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) rất quan tâm đến việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng đã 10 năm nay, nhưng không bao giờ công bố cho người dân được biết.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cũng cho rằng, việc cho phá sản ngân hàng nhưng bảo hiểm tiền gửi chỉ được tối đa 75 triệu đồng khiến người dân rất lo lắng. Vậy làm sao để người dân nhận biết được ngân hàng yếu kém? Nếu như hiện nay, người dân cứ gửi vào ngân hàng lớn cho chắc ăn, thì còn cơ hội nào cho các tổ chức tín dụng nhỏ?
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết một tin mừng là Ngân hàng Nhà nước sẽ cải thiện hệ thống xếp hạng tổ chức tín dụng; nhưng tin không mừng là Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn sẽ không công bố việc xếp hạng này.
Phiên trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN được ĐB đánh giá khá cao |
Cụ thể, Thống đốc cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Quyết định 06, cũng còn những điểm chưa hợp lý. Do đó, NHNN đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng thay thế, trong đó đánh giá, phân loại không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần, mà cả ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Các yếu tố xếp hạng bao gồm cả vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả kinh doanh, khả năng thanh khoản, tính nhạy cảm với thị trường... và sẽ được đánh giá hàng năm.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ công bố cho tổ chức tín dụng. Lý giải về điều này, Thống đốc cho biết “Các tổ chức tín dụng sai phạm tín nhiệm quốc tế thì đã có cung cấp thông tin tham khảo cho nhà đầu tư và người gửi tiền. Trong nước sẽ phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm. Còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện việc xếp hạng phục vụ quản lý Nhà nước. Căn cứ vào đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp quản lý phù hợp – đánh giá mức độ an toàn, lành mạnh, phát hiện rủi ro để cảnh báo sớm”.
Thống đốc cũng cho biết đây cũng là thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm này chưa nhận được sự đồng ý của nhiều chuyên gia, khi hiện nay người dân chưa có công cụ nào để nhận biết sức khỏe của các tổ chức tín dụng. Việc không minh bạch thông tin sẽ khiến người dân thiếu tin tưởng, sẽ là lợi bất cập hại cho hệ thống ngân hàng.
Vấn đề này càng đáng nói hơn khi hệ thống thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm – minh chứng bằng kết luận của Thanh tra Chính phủ mà ĐB Trương Trọng Nghĩa đã đặt câu hỏi chất vấn. Nhắc lại vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tế thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng (như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án xảy ra tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, OceanBank...), trong đó có trách nhiệm của việc buông lỏng quản lý nhà nước. Ba vi phạm lớn nhất, theo ĐB Thủy là “Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra các tổ chức tín dụng nhưng không phát hiện vi phạm; một số trường hợp phát hiện vi phạm, nhưng lại không kiến nghị xử lý; một số khác có kiến nghị xử lý, nhưng lại không sát sao, đôn đốc việc thực hiện. Nếu thanh tra giám sát làm nghiêm túc thì những vụ án nghiêm trọng vừa rồi có thể đã không xảy ra”.
Tuy vậy, những câu hỏi này của ĐB chưa được Thống đốc trả lời, do đã hết thời gian. ĐB sẽ nhận được câu trả lời bằng văn bản.