Nguyễn Hữu Hạnh – Người phổ biến lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh

14:30 28/04/2016
Tháng 10 năm 1963, tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra một đám tang rất đặc biệt. Người quá cố là ông Nguyễn Hữu Điệt, cha ruột đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 Vùng 4 chiến thuật Nguyễn Hữu Hạnh.


Thực hiện di nguyện của cha muốn được chôn cất bên cạnh phần mộ tổ tiên, Nguyễn Hữu Hạnh đã thương lượng với Mặt trận Giải phóng xã Phú Phong xin được an táng cha nơi vùng đất thuộc quyền kiểm soát của cách mạng. Phía cách mạng đồng ý và hai bên thống nhất thực hiện lệnh ngừng bắn trong 3 ngày. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và Nguyễn Hữu Hạnh trở thành mối quan tâm số một của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.

Sự quan tâm đặc biệt

Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924 tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức. Ông nội ông là một nhà nho, kiến thức uyên thâm, nổi tiếng khắp vùng về sự am hiểu lễ giáo và đối nhân xử thế. 

Sinh thời, giữ thế kẻ sĩ của người có học, ông từng không chịu tham gia làm hương chức hội tề với quan niệm “Làm dân tốt hơn làm làng”. Ông thường giảng dạy cho con cháu về đạo của người quân tử, về nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, sống tốt đẹp và có ích cho đời.

Nguyễn Hữu Hạnh là người có nhiều ảnh hưởng từ ông nội, được ông dạy nhiều điều hay lẽ phải, về tinh thần yêu quê hương đất nước, nhất là phải giữ được lòng tự trọng của người có học.

Sau khi đậu tú tài Pháp, năm 1946, Nguyễn Hữu Hạnh gia nhập Quân đội Liên hiệp Pháp. Theo học tại trường võ bị Vũng Tàu, ra trường với cấp bậc chuẩn úy, ông được điều đi phục vụ tại một đơn vị bộ binh giữ chức vụ Trung đội trưởng dưới quyền Thiếu úy Đại đội trưởng Dương Văn Minh. Có thể nói đây là sự khởi đầu của mối quan hệ thân tình giữa ông với Dương Văn Minh sau này.

Năm 1952, Nguyễn Hữu Hạnh chuyển sang Quân đội Quốc gia VNCH, được thăng cấp Đại úy và được cử làm Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến năm 1954, ông được chỉ định làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30 Việt Nam biệt lập.

Nguyễn Hữu Hạnh từng được cử đi đào tạo bài bản tại các trường quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, như khóa đào tạo chỉ huy tham mưu cao cấp, khóa dạy tình báo, chiến thuật, chiến lược và phản gián tại Mỹ.

Năm 1955, sau khi bước lên chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm mở nhiều chiến dịch tiêu diệt các giáo phái. Nguyễn Hữu Hạnh được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Diệu (tiêu diệt giáo phái Hòa Hảo) với quân hàm thiếu tá, rồi chiến dịch Thoại Ngọc Hầu (tiêu diệt Cao Đài) với quân hàm trung tá, dưới quyền của đại tá Tư lệnh Dương Văn Minh. Sau đó ông liên tục được giao nhiều vị trí quan trọng khác.

Tháng 10 năm 1963, khi đang là đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 Vùng 4 chiến thuật, dưới quyền thiếu tướng Huỳnh Văn Cao thì cha ông là Nguyễn Hữu Điệt qua đời. Trước khi nhắm mắt, cha Nguyễn Hữu Hạnh trăn trối với con trai ước nguyện của mình là được chôn cất ở quê hương, bên cạnh phần mộ của tổ tiên.

Đây là điều rất khó khăn đối với Nguyễn Hữu Hạnh vì phần mộ tổ tiên hiện đang nằm tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Mỹ Tho, là vùng do Mặt trận Giải phóng kiểm soát. Với quyền lực của mình, Nguyễn Hữu Hạnh có thể chọn một vùng đất khác thuộc quyền kiểm soát của quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng đây là ước nguyện cuối cùng của cha, Nguyễn Hữu Hạnh không thể không thực hiện.

Nguyễn Hữu Hạnh trong đám tang cha năm 1963. Bên phải là tướng Huỳnh Văn Cao – Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật. (Ảnh: Tư liệu).

Qua nhiều lần suy tính, cuối cùng Nguyễn Hữu Hạnh quyết định liên hệ với ông Chín Quá - một người trong họ hàng mà Nguyễn Hữu Hạnh biết hiện đang là người của phía cách mạng. Ông nhờ Chín Quá đến xã Phú Phong xin phép chính quyền cách mạng cho ông được thực hiện ước nguyện của cha mình, yêu cầu thế nào ông cũng chấp nhận? Và chính quyền xã Phú Phong đồng ý với điều kiện hai bên phải ngừng bắn trong 3 ngày. Không thể tự mình quyết định, Nguyễn Hữu Hạnh liền thảo công văn gửi lên thiếu tướng Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh Quân đoàn 4 và được Huỳnh Văn Cao phê duyệt.

Đám tang diễn ra suôn sẻ, an toàn, hai bên tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn. Nguyễn Hữu Hạnh tỏ ý cảm ơn Mặt trận Giải phóng xã Phú Phong đã tạo cơ hội thuận lợi cho ông. Và 3 ngày sau ông lại bày tỏ nguyện vọng được đến thăm mộ cha bằng trực thăng. Phía cách mạng lại đồng ý với điều kiện Nguyễn Hữu Hạnh phải đi một mình, không có chiếc trực thăng nào đi theo hộ tống. Nguyễn Hữu Hạnh đã thực hiện đúng giao ước và trở về Cần Thơ một cách an toàn.

Sự việc trên sau đó được báo về Trung ương Cục miền Nam và Nguyễn Hữu Hạnh trở thành mối quan tâm số một của Ban Binh vận. Nhiệm vụ tiếp cận, vận động, bồi dưỡng Nguyễn Hữu Hạnh được đồng chí Lê Quốc Lương - Đội trưởng Đội Vận động sĩ quan địch giao cho đồng chí Nguyễn Tấn Thành. Sở dĩ Ban Binh vận chọn đồng chí Nguyễn Tấn Thành vì ông là bác họ của Nguyễn Hữu Hạnh. 

Lúc nhỏ hai người rất thân mật, Nguyễn Tấn Thành là người kèm cặp Nguyễn Hữu Hạnh trong việc học hành và thường đàm đạo với ông nội Nguyễn Hữu Hạnh về nho học. Hơn nữa, Nguyễn Tấn Thành chỉ hơn Nguyễn Hữu Hạnh 12 tuổi, hai người cùng thế hệ nên dễ đồng cảm với nhau. Một chi tiết nữa là cả hai lần bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Tấn Thành đều được Nguyễn Hữu Hạnh tìm cách cứu thoát. Riêng lần đầu vào năm 1956, Nguyễn Hữu Hạnh đã dùng tư cách Tham mưu trưởng chiến dịch Thoại Ngọc Hầu để yêu cầu bên cảnh sát giao “tên cộng sản” Nguyễn Tấn Thành cho ông để “tra khảo”. Ông che giấu Nguyễn Tấn Thành tại nhà riêng, tìm cách hợp thức hóa giấy tờ và trả tự do sau đó 1 tháng.

Từ mối quan hệ tốt đẹp đó, cộng với sự hỗ trợ đắc lực từ các đồng chí trong Ban Binh vận, Nguyễn Tấn Thành hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Ông đã tác động làm thay đổi suy nghĩ về tư tưởng đối với Nguyễn Hữu Hạnh, hướng Nguyễn Hữu Hạnh về phía cách mạng. Nguyễn Hữu Hạnh được mang mật danh là S7 hoặc Sao Mai. Hai người giữ liên lạc với nhau đến tận ngày giải phóng mà không hề bị lộ.

Những đóng góp bước đầu

Nguyễn Hữu Hạnh là người có cảm tình với những người cộng sản mặc dù ông là sĩ quan cao cấp của VNCH. Ông quan niệm rằng, mỗi người tự chọn cho mình con đường đi riêng, nhưng trên hết là vì quyền lợi dân tộc, vì quê hương đất nước.

Và ông nhận thấy chính nghĩa đang thuộc về phía “bên kia”. Từ khi hợp tác với cách mạng, không những thực hiện những yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam, ông còn tự giác ứng phó trong mọi tình huống, không để điều gì bất lợi xảy ra cho nhân dân, cho cách mạng. Nhờ sự tính toán chu đáo và linh hoạt, ông rất khéo léo trong hành động, không gây bất cứ sự thắc mắc, nghi ngờ nào.

Năm 1967, với tư cách là Phó Tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu, Nguyễn Hữu Hạnh ra lệnh cho binh sĩ: “Trong lúc hành quân, trực thăng võ trang phải thận trọng, khi nào dưới đất bắn lên thì mới bắn lại chứ không tự ý xả đạn lung tung”. Thiếu tướng Tư lệnh Nguyễn Văn Minh lúc đầu có ý nghi ngờ Nguyễn Hữu Hạnh nhưng không có bằng chứng, hơn nữa Nguyễn Văn Minh từng là cấp dưới của ông nên ít nhiều “nể mặt”, không thắc mắc gì thêm.

Năm 1968, Nguyễn Hữu Hạnh làm Tư lệnh biệt khu 44 (bao gồm Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường). Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng cách mạng, Nguyễn Hữu Hạnh đều lệnh cho binh sĩ đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi quân giải phóng rút quân ông cũng ra lệnh rút quân về. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”.

Cũng năm 1968, một cán bộ cách mạng sử dụng tên giả là Huỳnh Xuân đưa vũ khí vào khu quản lý của quân đội VNCH. Sự việc bại lộ, Huỳnh Xuân bị bắt và đưa ra tòa. Nhận được yêu cầu của Ban Binh vận, Nguyễn Hữu Hạnh nhờ một luật sư thân tín bào chữa cho Huỳnh Xuân. Theo thỏa thuận, khi ra tòa, Huỳnh Xuân cứ giữ nguyên lời cung, đổ tội cho tên thiếu úy đã trốn thoát và làm một lá đơn kể lại đã có công tháp tùng bảo vệ cho đại tá Nguyễn Hữu Hạnh lúc ông còn là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 Vùng 4 chiến thuật. Nguyễn Hữu Hạnh đã chứng thực vào lá đơn này và Huỳnh Xuân được trả tự do.

Năm 1969, Nguyễn Hữu Hạnh được phong quân hàm chuẩn tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 dưới quyền tướng Nguyễn Viết Thanh. Đây là một thuận lợi cho cách mạng vì ở vị trí này Nguyễn Hữu Hạnh nắm trong tay Quân đoàn 4 có quyền sinh sát ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Quân đoàn 4 rất mạnh, có nhiệm vụ án ngữ miền Tây trong ý đồ chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu. Trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, chính Nguyễn Hữu Hạnh đã ngầm ủng hộ tướng Dương Văn Minh bằng cách khuyên tướng Huỳnh Văn Cao lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn 4 án binh bất động, không đưa lực lượng Quân đoàn 4 về giải vây, giúp cho cuộc đảo chính của Dương Văn Minh thành công. Trường hợp Quân đoàn 4 kéo về Sài Gòn, tình thế cuộc đảo chính lúc ấy rất có khả năng sẽ chuyển hướng.

Bất ngờ nghỉ hưu non

Năm 1968, dưới sức ép của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận cho tướng Dương Văn Minh về nước, kết thúc một thời gian dài sống lưu vong tại Thái Lan. Nguyễn Hữu Hạnh được Trung ương Cục miền Nam giao một nhiệm vụ quan trọng: tiếp cận và vận động Dương Văn Minh.

Nguyễn Hữu Hạnh lúc mang quân hàm chuẩn tướng  (Ảnh: Tư liệu).

Đây chính là thời cơ thể hiện tầm quan trọng trong nhiệm vụ của Nguyễn Hữu Hạnh. Câu chuyện trước đó như sau:

Năm 1960, theo yêu cầu của Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung ương Cục miền Nam), đồng chí Võ Văn Thời, Cục trưởng Cục Địch vận đề nghị và được cấp trên đồng ý điều động đồng chí Dương Thanh Nhựt là em ruột Dương Văn Minh về Cục Địch vận để giao nhiệm vụ về miền Nam vận động Dương Văn Minh. Dương Thanh Nhựt được đặt bí danh là Mười Ty.

Tháng 8 năm 1962, đồng chí Mười Ty móc nối được với gia đình, tìm hiểu thái độ của Dương Văn Minh. Mọi việc được thuận lợi, Mười Ty hướng dẫn cán bộ mật đem ý kiến của lãnh đạo trao đổi với Dương Văn Minh về việc đảo chính chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong lúc đang bực tức Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, phủ nhận công lao của mình, Dương Văn Minh hứa sẽ tìm cách.

Ngày 1 tháng 1 năm 1963, trung tướng Dương Văn Minh nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng VNCH. Trong thời gian làm Quốc trưởng, Dương Văn Minh có một số hành động tiến bộ có lợi cho cách mạng: Ra lệnh hủy bỏ 16.000 ấp chiến lược. 

Từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara và tướng Harkin để cho Mỹ ném bom nổ chậm trên đê sông Hồng, vì làm như thế là “inhumain” (vô nhân đạo). Không trả lời đề nghị yêu cầu chuẩn y và thực hiện kế hoạch 34A (hoạt động gián điệp, biệt kích chống miền Bắc) của đại sứ Cabot Lodge. Và theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Dương Văn Minh tỏ ý muốn thương lượng để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập chính phủ liên hiệp.

Do những chủ trương và hành động của Dương Văn Minh không theo đúng ý đồ của người Mỹ, cuối tháng 1 năm 1964, Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng kiêm Thủ tướng Chính phủ VNCH cũng bằng một cuộc đảo chính. Mỹ chỉ thị cho chính quyền Sài Gòn phong Dương Văn Minh lên đại tướng và cử làm đại sứ lưu động ở Đài Loan, sau đó lại chuyển sang lưu vong ở Thái Lan, có sự giám sát của CIA.

Khi Dương Văn Minh được về nước, chấm dứt thời gian sống lưu vong, cuối năm 1970, theo chỉ đạo của Trung ương và Trung ương Cục miền Nam, Ban Binh vận Trung ương Cục tìm một người thay thế nhiệm vụ của đồng chí Mười Ty để tiếp tục tiếp cận vận động Dương Văn Minh. Và người được chọn là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.

Mọi việc đang trên đà tiến triển thuận lợi thì Nguyễn Hữu Hạnh đột ngột bị thuyên chuyển lên Tây Nguyên làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 dưới quyền tướng Ngô Du. Đồng chí Nguyễn Tấn Thành phải lên xuống Tây Nguyên để tiếp xúc với Nguyễn Hữu Hạnh và thông báo nhiệm vụ khi cần thiết.

Bất ngờ, ngày 15 tháng 5 năm 1974, Nguyễn Hữu Hạnh nhận được quyết định về hưu do chính Nguyễn Văn Thiệu ký khi ông mới 48 tuổi. Lý do là Nguyễn Hữu Hạnh đã phục vụ trong quân đội quá thời gian quy định. Ý đồ sâu xa của Nguyễn Văn Thiệu là loại bỏ bớt những tướng tá ngả theo Dương Văn Minh.

Duy Tường

Sau gần 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, con đường cao tốc nối Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột đã dần thành hình. Trên công trường những ngày này, không khí thi công diễn ra hối hả, khẩn trương suốt ngày đêm…

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đang nỗ lực lấp đầy nội các tương lai, đề cử một số nhân vật nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào chính quyền, những người có khả năng sẽ tiếp tục làm mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong thời gian tới.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện vẫn còn hiện tượng chặt chém, lôi kéo khách du lịch - một hành vi mà theo lời Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và Công an thành phố, là “nhìn thì hết sức lịch sự nhưng lại đầy sức tàn nhẫn”…

Từng là những người mang trên mình án tích nên sau khi hoàn thành chấp hành án, trở lại địa phương, những người này rất cần sự động viên, hỗ trợ để vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hề dễ dàng, không ít đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Hôm nay, các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm. Trên biển Đông, bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文