Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6: “Quyền lực mềm” đứng về chính nghĩa
Cùng với nhiều hành động, phương án khẳng định và bảo vệ chủ quyền đã được các cơ quan chức năng cùng nhân dân Việt Nam tiến hành kiên trì, hiệu quả trong suốt thời gian qua, các nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao nước ta cũng liên tục lên tiếng trên các diễn đàn, báo chí quốc tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 21/5, trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp thiện chí hòa bình, đối thoại của Việt Nam, Trung Quốc đã không chỉ ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, mà còn “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trước báo chí quốc tế tại Manila: Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
Ngày 28/5, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy đã có bài viết “Một góc nhìn khác về tranh chấp biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post. Bài viết nhanh chóng nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận. Cũng trong ngày 28/5, ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - lần đầu trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh CNN được phát sóng trên toàn cầu, bác bỏ những luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc về vấn đề giàn khoan. “Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.
Không chỉ có những bài báo của phóng viên trong nước đăng tải những hình ảnh thực địa ở khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, những bài phân tích, trích dẫn chỉ rõ ý đồ xâm lược của Trung Quốc ở khu vực biển Đông của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước mà ngay cả phóng viên nước ngoài, các chuyên gia, học giả quốc tế cũng đã góp tiếng nói ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh dư luận phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan.
Trao đổi với các đồng nghiệp Việt Nam trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa vừa qua, nhiều phóng viên báo chí nước ngoài, trong đó có nhà báo, Tổng thư ký Báo VietWeekly của Mỹ Etcetera Nguyễn đã tận mắt chứng kiến những hành vi vô nhân đạo và không thể chấp nhận được của Trung Quốc. Nhà báo này đã phải thốt lên rằng: “Việt Nam đang có trong tay vũ khí quan trọng nhất, đó là chính nghĩa. Đoàn nhà báo chúng tôi và cá nhân tôi đã tai nghe, mắt thấy hình ảnh những con tàu hải giám, hải cảnh... của Trung Quốc rượt đuổi một cách rất hung hăng những con tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là những hình ảnh không thể sống động hơn, khi nó xảy ra cách chúng tôi chỉ 30-50m. Nó cho chúng tôi thấy đây là sự thật hiển nhiên đang diễn ra tại biển Đông”.
Như vậy, qua những điều mà báo chí đã thông tin và cả lời kể của nhà báo Etcetera Nguyễn, có thể thấy, Trung Quốc vừa có hành vi vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo lý và lừa dối cả thế giới. Đúng như Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an đã nói: “Trung Quốc mạnh thật nhưng họ không có pháp lý, đạo lý. Họ bị cả dư luận thế giới lên án”. Điều này cũng đã được bà Leone Isabelle, Trưởng đoàn Câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị Christchurch, New Zealand (thuộc hệ thống Câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị quốc tế - FFI) bày tỏ trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi đầu tháng 6. Chia sẻ những cảm thông với nhân dân Việt Nam, bà Leone Isabelle cho biết, với tư cách là thành viên của Câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị của New Zealand, khi về nước, bà sẽ truyền tải những thông tin về tình hình của Việt Nam đến với những hội viên trong Câu lạc bộ để mọi người hiểu hơn về sự chính nghĩa và lẽ phải của Việt Nam.
Học giả chuyên về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị thuộc Đại học Ateneo De Manila, ông Richard Javad Heydarian trong bài viết đăng trên tờ The National Interest cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “đang tự tạo thảm họa trên biển Đông” bằng những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và lừa dối công luận.
Và điều dễ nhận thấy là mặc dù đã huy động lực lượng truyền thông đông đảo và cả đội ngũ học giả hùng mạnh trong nước nhằm biện minh cho hành động sai trái của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, song đến nay, Trung Quốc vẫn không thể lòe bịp được dư luận quốc tế. Mỗi một thông tin bịa đặt mà nước này đưa ra đều đã bị giới truyền thông và cộng đồng quốc tế bác bỏ. Chưa hết, làn sóng phản đối Trung Quốc ngày càng dâng cao và trở thành một phong trào lớn, được tất cả những ai yêu hòa bình, yêu công lý và lẽ phải ủng hộ. Từ châu Á, châu Âu, châu Phi cho tới châu Mỹ, quốc gia nào cũng lên tiếng phải đối Trung Quốc.
Theo một kết quả khảo sát mới đây, giới học giả ở hầu hết các nước châu Á đều bày tỏ sự bất bình trước những hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Một số học giả khác còn dẫn chứng về việc những vu khống trắng trợn của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như việc nước này xuyên tạc sự thật về những diễn biến xung quanh khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến cho dư luận thế giới buộc phải “cẩn trọng” trước những phát ngôn của nước này hoặc thậm chí không tin vào những lời nói suông của Trung Quốc liên tục trì hoãn các cuộc tham vấn với đại diện ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) cũng như vi phạm các thỏa thuận, nguyên tắc là không sử dụng vũ lực và không làm gia tăng căng thẳng trên các khu vực tranh chấp