Nhập khẩu giống khiến nông dân bị lệ thuộc

10:56 14/06/2015
Chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hâm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua. Những nỗi bức xúc gắn với đời sống dân sinh như thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất, nông sản được mùa rớt giá, lúa trồng không có nơi tiêu thụ, sản xuất thua lỗ, nông dân bươn chải ngày đêm vẫn không đủ sống… được các đại biểu phân tích, mổ xẻ và đề đạt kiến nghị tới vị “tư lệnh” của nhà nông. 

Bên lề kỳ họp, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Chấm dứt tình trạng nông dân chỉ được 1 phần mà thương lái được những 2 phần

PV: Đại biểu có đồng tình với giải pháp chấm dứt tình trạng “được mùa rớt giá” mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra?

Về cơ bản, phần trả lời của Bộ trưởng tương đối thoả đáng. Tuy nhiên những giải pháp thì cũng như nhiều kỳ họp đã nói, trong thời gian dài vẫn còn tồn tại thực trạng được mùa rớt giá, cung vượt quá cầu, khoai lang, dưa hấu, hành tím không có nơi tiêu thụ… Bộ NN&PTNT cũng đã có đề án để tái cơ cấu nền nông nghiệp nhưng không ăn thua, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng như vậy. Theo tôi, nên đánh giá, tổng kết lại trong chuỗi giải pháp đấy giải pháp nào thực sự được, giải pháp nào không được thì phải sửa ngay, hoặc bỏ, đồng thời thêm giải pháp đủ mạnh để không có tình trạng được mùa rớt giá, mất mùa đẩy giá lên cao…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh.

PV: Cụ thể là giải pháp nào, thưa ông?

Bộ trưởng nói phải hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, về vốn để nông dân có thể sản xuất những sản phẩm với năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn; phát triển mạnh các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhưng tôi thấy chưa hợp lý. Tôi cho rằng hiện nay khi làm bất cứ việc gì đều phải quy hoạch tổng thể, và phải quy hoạch theo vùng, xem lợi thế của từng vùng nên trồng cây gì, nuôi con gì, sản lượng ra sao, chất lượng như thế nào… Sau đó khảo sát thị trường, trên cơ sở đó sẽ phân bổ theo vùng miền và làm theo kế hoạch. Thị trường nào lớn thì đầu tư vào đấy, thị trường nào giảm thì giảm đi, nhưng phải bám sát thị trường để chỉ đạo trồng trọt và chăn nuôi hợp lý. Chứ không thể để nông dân sản xuất hàng hóa, chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài…

PV: Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nhưng nông dân lại kêu doanh nghiệp chơi xấu, làm giá cao?

Về lý thuyết, Bộ trưởng nói đúng nhưng mình cũng phải thấy một thực tế là để một doanh nghiệp tồn tại thì cần có lãi. Mà sản phẩm là do người nông dân làm ra, doanh nghiệp chỉ mua lại tiêu thụ, chế biến, nâng cao và đưa ra thị trường... Hiện nay chúng ta đang rơi vào tình trạng người sản xuất ra thì chỉ được 1 phần nhưng doanh nghiệp, thương lái lại được những 2 phần. Như thế là không được, các doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lãi nhưng chính sách lãi phải như thế nào cho hợp lý… Trong hợp tác “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp – PV) thì chia mỗi nhà một chút, nhưng phải trả lời nhà nào là nhà gốc? Người nông dân một nắng hai sương thì nên ưu ái, các nước cũng vậy, thậm chí họ còn trợ giá cho người nông dân. Dù GDP mà nông nghiệp mang lại chỉ chiếm 18-20% nhưng nước ta gần 70% là nông dân, chúng ta phải ổn định thị trường cho đa số, duy trì ổn định chính trị xã hội… Và chúng ta cũng phải điều hành được doanh nghiệp, có chính sách phù hợp với nông dân.

Xin cảm ơn đại biểu!

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Nông nghiệp muốn phát triển, Nhà nước phải là “nhạc trưởng”

PV: Trong câu hỏi chất vấn của bà, Bộ trưởng Cao Đức Phát có trả lời về khâu yếu trong nông nghiệp và đưa ra một số giải pháp, bà có hài lòng?

Nói chung nền nông nghiệp Việt Nam những năm qua có nhiều tiến bộ, có đầu tư, quan tâm, nhưng chưa bền vững, người nông dân rất khó sống được bằng nghề nông. Về những yếu tố yếu kém nhất, tạo cho nền nông nghiệp phát triển không bền vững thì Bộ trưởng có đề cập đến nhiều yếu tố, trong đó mình quan tâm đến yếu tố về giống và tổ chức sản xuất. Bộ trưởng cũng nói đến khâu quan trọng là chế biến, bảo quản, nhưng để có được sản phẩm tốt thì giống mới là vấn đề quan trọng. Giải pháp của Bộ trưởng là nhập khẩu giống. 

Tôi cho rằng nhập khẩu là tốt, người ta có giống tốt, có công nghệ cao thì mình đi nhập, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp trước mắt chứ không phải giải pháp căn cơ, bởi vì nó không tạo cho mình được sự chủ động, người nông dân bị lệ thuộc. Kết hợp nhập khẩu cộng với quá trình nghiên cứu, lai tạo ra giống mới mới là điều căn cơ. Nếu mình chủ động được nguồn giống thì sẽ giúp người nông dân hạ giá thành sản phẩm, có sản phẩm chất lượng, đảm bảo đầu ra...

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm.

PV: Dường như đầu ra cho sản phẩm tiếp tục là mối băn khoăn lớn nhất của nông dân?

Thực chất đầu ra của sản phẩm lệ thuộc rất lớn, nếu không muốn nói là lệ thuộc hoàn toàn vào tổ chức sản xuất. Người nông dân mình có thể chịu khó, làm quần quật quanh năm được, nắng mưa gì cũng làm được nhưng khâu tổ chức vẫn là một khâu yếu. Muốn tổ chức sản xuất được thì vai trò của Nhà nước, vai trò của nhà quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, tổ chức, hướng dẫn cho người nông dân là rất quan trọng. Từ chỗ tìm được giống tốt rồi phải có sản phẩm tốt, từ sản phẩm tốt phải tổ chức sản xuất tốt, nghiên cứu ở nơi nào sản xuất cái gì, sản lượng bao nhiêu và tiêu thụ đi đâu thì mới giải quyết được đầu ra. Theo tôi, không thể nào đảm bảo khâu tiêu thụ được sản phẩm nếu giống không đạt chất lượng và khâu tổ chức sản xuất không đảm bảo cung-cầu phù hợp. Hiện nay sản phẩm mình bị ùn ứ chẳng qua là do các khâu trước đó mình làm không tốt, giống không tốt, tổ chức sản xuất không tốt, bảo quản không tốt, cho nên sản phẩm không tiêu thụ được. Để trả lời câu hỏi đầu ra thì phải là cả chuỗi vấn đề…

PV: Trong tổ chức sản xuất và vấn đề đầu ra có vai trò của doanh nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, trong “4 nhà” thì nhà doanh nghiệp là quan trọng nhất, nên đầu tư cho doanh nghiệp?

Không thể nói đưa doanh nghiệp vào giúp đỡ người dân được, vì nói như thế là mang tính chất cảm tính, tình cảm giai cấp thôi. Nếu đã nói thị trường thì doanh  nghiệp người ta làm phải có lời, doanh nghiệp thấy có cái gì họ có lợi, đảm bảo lợi nhuận thì họ sẽ làm. Cho nên mình phải tạo ra nền nông nghiệp mà ở trong đó người sản xuất và người tiêu thụ phải công bằng, sòng phẳng trên thị trường. Vấn đề ở đây là sự điều tiết, điều phối của nhà quản lý chưa tốt, cho nên doanh nghiệp và người nông dân chưa gặp nhau, chứ không phải tại doanh nghiệp. Nhà nước phải là nhạc trưởng, ví dụ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư như thế nào để các doanh nghiệp có hướng đi phù hợp, bây giờ hình thành bao nhiêu doanh nghiệp về chế biến nông sản, khi doanh nghiệp cần xuất khẩu thì xuất đi đâu, anh nhắm vào doanh nghiệp nào thì anh phải chuẩn bị nguồn hàng.

Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文