Đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên chính phủ:

“Nóng” vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ

00:22 18/11/2014
Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã mở đầu cho phiên chất vấn của kỳ họp lần này. Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm vẫn xoay quanh câu chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) - vấn đề mấu chốt cho phát triển công nghiệp và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực điện, chống hàng lậu, hàng giả... Trong số các câu hỏi, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, mong muốn Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước cử tri về những yếu kém trong điều hành.

Sản xuất còn phụ thuộc nước ngoài

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) và một số đại biểu khác về CNHT và ai là người chịu trách nhiệm cho những yếu kém này, khi thực tế từ 2007, Bộ Công nghiệp đã xác định vai trò quan trọng của ngành này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “CNHT đúng là có vấn đề”. Nguyên nhân là do chính sách đã được quan tâm, nhưng cấp độ pháp lý còn thấp, chưa đạt yêu cầu, chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển. Với trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đã tham mưu ban hành được ít nhất 3 văn bản liên quan đến CNHT, tuy nhiên “thẳng thắn thừa nhận việc sản xuất còn phụ thuộc vào nước ngoài đúng là do chính sách chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng, việc có hay không chúng ta “chỉ là bãi rác để thuê lao động phổ thông và hưởng ưu đãi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết tại một số lĩnh vực đã đạt kết quả đáng kể như ôtô chở khách đến 80 chỗ có tỷ lệ nội địa hóa được 40%, điển hình là Trường Hải; xe tải nông dụng, xe chuyên dùng nội địa hóa được 70%. Tuy nhiên, ôtô con mới nội địa hóa được khoảng 10%, đây là chỗ chưa thành công của chiến lược quy hoạch ôtô. Về xe máy, chúng ta đã đưa tỷ lệ này lên trên 90% kể cả động cơ, xuất khẩu khoảng 150.000 xe máy/năm, đạt kim ngạch trên 280 triệu USD.

Tuy đã có sự thẳng thắn nhất định, nhưng các đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Nhiều đại biểu đã chất vấn trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng trong việc không có đầy đủ các chính sách để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Đại biểu Đồng Hữu Mạo đã thẳng thắn cho biết khi bỏ phiếu tín nhiệm, ông đã để ở mức “tín nhiệm” đối với Bộ trưởng Hoàng mà chưa để ở mức “tín nhiệm cao” vì “có nhiều điểm trong điều hành tôi đề cao, nhưng có nhiều việc chưa ưng ý lắm, Bộ trưởng chưa kiên quyết, thiếu chính sách cụ thể”. Đại biểu Đồng Hữu Mạo đặt câu hỏi “Bộ trưởng có chịu nhận trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước đang nghe Bộ trưởng hay không?”. Về câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng cho biết mình có một phần trách nhiệm, cùng với các cơ quan liên quan.

Cũng liên quan đến câu chuyện sản xuất trong nước, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt dấu hỏi về việc 20 dự án nhiệt điện lớn trong nước, phần lớn do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu và tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0, trong khi DN trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận một số phần việc. Về điều này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đúng là thực tế. Nguyên nhân do các nhà máy công suất lớn đều thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC: thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng rồi chuyển giao cho Việt Nam vận hành, nên sự tham gia của DN Việt Nam là rất ít. Nhận thức rõ việc cần thiết tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia, thu nhập việc làm cho công nhân và quan trọng hơn hết là để các DN trong nước tham gia để nâng cao năng lực sản xuất, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo phải tách bạch gói thầu nhà thầu trong nước có thể làm được khỏi gói thầu cho nhà thầu nước ngoài. “Rất tiếc là có chủ trương rất rõ ràng nhưng khá nhiều trường hợp do nhiều lý do, các chủ đầu tư không tách được ra” – Bộ trưởng Hoàng thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Về sự tàn phá của hàng lậu, hàng giả đã hoành hành nhiều năm qua nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế: “Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân để phục vụ lấy phiếu tín nhiệm cá nhân, tôi cũng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này”.

Khẳng định E5 đảm bảo chất lượng

Nhắc lại câu chuyện cháy xe hàng loạt đã xảy ra vài năm trước và việc không có ai chịu trách nhiệm với những thiệt hại người dân phải chịu, đại biểu Phạm Văn Cường đặt câu hỏi về an toàn của xăng E5 và nếu sau này chứng minh được E5 không an toàn thì ai phải chịu trách nhiệm? Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đã giao cho PVN chạy thử nghiệm đối với taxi từ trước và thực tế đã chứng minh E5 đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện để công bố tiêu chuẩn kỹ thuật đối với E5. Sau khi đã có tiêu chuẩn này, xảy ra sự cố thì đương nhiên cơ quan ban hành tiêu chuẩn phải chịu trách nhiệm.

Không có chuyện nhà máy điện lớn chạy cầm chừng để mua điện nước ngoài

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) về có ý kiến phản ánh “DN điện nhà nước lớn như thủy điện Hòa Bình mấy năm gần đây hoạt động rất cầm chừng, trong khi mua điện tư nhân, nhập điện Trung Quốc giá cao”, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng không tốt tới sản xuất trong nước và đời sống người dân và có biểu hiện của lợi ích nhóm không, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “khẳng định thông tin không có cơ sở”. Lý do được đưa ra là “Đảng, Nhà nước, nhân dân đã chắt chiu để xây dựng các công trình thủy điện, trong đó có các công trình quy mô lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Trị An... Một trong những mục tiêu là để tận dụng lợi thế thủy năng, vừa để phát điện, vừa để cắt lũ mùa mưa và điều tiết nước sản xuất trong mùa kiệt. Không có lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các mục tiêu này”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng dẫn chứng bằng số liệu cụ thể: Hòa Bình công suất thiết kế 1920 MW, sản lượng bình quân 9 đến 10 tỷ kWh/năm, và năm nào Hòa Bình cũng phát đến con số này, tức là không có chuyện cầm chừng. Thủy điện Sơn La đưa vào phát trước kế hoạch 3 năm, năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế, trên dưới 10 tỷ kWh.

Chính sách vẫn chạy sau thực tiễn

Sáng 17/11, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một đổi mới của Quốc hội kỳ này và được các đại biểu đánh giá rất cao.

Bên cạnh những ý kiến đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc chính sách vẫn chạy theo thực tiễn. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích vì sao thời gian qua, có nhiều vụ việc xảy ra rồi, Chính phủ mới chỉ đạo rà soát, kiểm tra. “Một con tàu chìm thì rà soát tàu, một mỏ sập thì rà soát mỏ đá, một cầu treo sập thì rà soát cầu, như vậy rõ ràng quản lý nhà nước đi chậm, đi sau”. Cũng theo đại biểu Phạm Đức Châu, các mục tiêu, chương trình, dự án đề ra rất tốt đẹp, rất nhân văn nhưng nhiều cái hiệu quả không cao, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến nông dân, nông nghiệp nông thôn, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những thực trạng này, Chính phủ cần đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra các sai phạm, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, đại biểu “thiết tha” đề nghị các bộ, ngành trung ương hết sức thận trọng khi đưa ra các quyết định của mình, “đừng để đưa ra rồi phải sửa”. Đại biểu dẫn chứng bằng việc gần đây nhất khi Bộ Nội vụ hoãn một kỳ thi chuyên viên chính tại Thừa Thiên - Huế khiến gần 700 người “chưng hửng” mà lý do “nghe đồn” là để tập trung cho Bộ trưởng chất vấn. “Có những việc các bộ cố gắng cả một năm trời, nhưng chỉ cần một vài quyết định không chín chắn cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các bộ, ngành Trung ương”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nói thẳng nhưng cần tránh từ ngữ xúc phạm

Lưu ý về việc chất vấn, trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thành công của hoạt động Quốc hội là nhờ ở tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ. Cho nên, việc đặt câu hỏi cũng như trả lời câu hỏi hết sức rõ ràng, cụ thể. Yêu cầu hỏi đáp là rất ngắn, rõ, thẳng, tỏ thái độ rõ ràng. Chúng ta cũng đang từng bước xây dựng văn hóa của Quốc hội nên trong chất vấn mục tiêu để đi cùng một hướng, giải quyết vấn đề đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, cùng nhau đưa ra tranh luận, thảo luận, chốt được vấn đề.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp phải tiếp tục làm tốt hơn chất lượng công tác của mình, đúng với tinh thần lấy phiếu tín nhiệm mà các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện. "Tôi đề nghị các vị nói thẳng, nói sâu, trúng… kể cả hỏi và đáp phải hết sức ngắn gọn, tránh những từ ngữ xúc phạm tới người này, người khác, tạo nên những căng thẳng không cần thiết" – Chủ tịch lưu ý.

Bộ trưởng và đại biểu nói gì về chất vấn?

Ngày đầu tiên, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Trao đổi với Báo CAND, nhiều ý kiến thừa nhận những điểm mới trong phần trả lời của Bộ trưởng, song cũng chỉ ra những vấn đề cũ chưa được khắc phục.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Tôi vẫn thường bị phê bình là còn cầu toàn

- Thưa Bộ trưởng, không hiểu sao Quốc hội ít khi chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, hay do phần này ít việc?

Ồ, khóa này tôi cũng đã trả lời 1 lần ở Quốc hội rồi, giải trình ở Ủy ban Pháp luật 2 lần nữa.

- Hơn 3 năm chỉ 1 lần là ít?

Cái đó do Quốc hội quyết định thôi.

- Trong công việc, Bộ trưởng nhận thấy khuyết điểm của mình là gì?

Tôi vẫn thường bị phê bình là còn cầu toàn. Cho nên mình phải tiếp thu, nghiên cứu kỹ. Điều đó tôi phải chấn chỉnh. 

- Kỳ này, số phiếu tín nhiệm cao của Bộ trưởng hình như hơi ít?

Không, số phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn trước, nhưng số phiếu tín nhiệm thấp cũng nhiều hơn. Có nghĩa mình còn phải cố gắng hơn. 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Phần chủ quan, Bộ trưởng Công Thương chưa mạnh dạn làm rõ

- Ông chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về công nghiệp ôtô. Vấn đề này có cũ quá không? 

Campuchia đã sản xuất ôtô có mác của họ rồi, còn ta đã hơn 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ôtô nhưng hiện chỉ nội địa hóa được có 5-10% thôi. Ôtô mà làm chỉ được như vậy thì phát triển thế nào? Bộ trưởng Công Thương là tư lệnh ngành thì phải xem trách nhiệm của mình đến đâu? Đồng ý rằng chính sách chưa đồng bộ nhưng anh phải đề xuất giải pháp cụ thể.

- Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng, ông “chấm” mức nào?

Bộ trưởng quản lý lĩnh vực rất rộng, làm được nhiều việc nhưng rõ ràng tồn tại còn nhiều. Như hàng giả, rồi công nghiệp hỗ trợ, máy công cụ phục vụ nông nghiệp… Tức là còn nhiều vấn đề nên đại biểu chưa thể tín nhiệm cao được, chỉ là tín nhiệm thôi. 

- Chất vấn đòi hỏi mạnh dạn nhận trách nhiệm. Ông thấy Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã mạnh dạn điểm này chưa?

Tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời được phần nào vấn đề đặt ra, nhưng mà về nguyên nhân thì Bộ trưởng vẫn lý giải do khách quan là chính, còn về chủ quan của bản thân, của ngành mình chưa mạnh dạn làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Chất vấn có câu cũ nhưng cũng đã có những ý mới

 - Nội dung câu hỏi của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng Công Thương đã có gì mới chưa, thưa ông? 

Theo tôi, trong trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, câu hỏi thì có câu cũ nhưng cũng có những ý mới. Ví dụ như đại biểu xoáy sâu hơn vấn đề công nghiệp phụ trợ, đó là vấn đề mới, còn như hàng nhái, hàng giả, buôn lậu thì ta nói từ lâu rồi.

- Có đại biểu nói rõ chỉ “chấm” Bộ trưởng Hoàng mức tín nhiệm? 

Đấy là quyền của đại biểu. Tôi thấy đại biểu Đồng Hữu Mạo nói rất thẳng, thể hiện rằng đại biểu đánh giá rõ mức độ tín nhiệm của mình với Bộ trưởng, không giấu giếm gì cả. Tôi ủng hộ sự thẳng thắn đó.

Đ.Trường

Vũ Hân - Kim Quý

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文