Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

08:44 12/02/2014
Tại Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. CAND Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội,
Thưa quý vị đại biểu,
Thưa các mẹ Việt Nam Anh hùng,
Thưa các nghệ sĩ -
nghệ nhân,
Thưa đồng bào đồng chí thân mến,

Trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân và Tết cổ truyền của dân tộc, hôm nay tại Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) trao tặng.

Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin chia sẻ niềm vui, niềm tự hào to lớn này cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân, đồng chí đồng bào ta và bạn bè quốc tế. Tôi hoan nghênh bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã đến dự buổi Lễ trọng thể hôm nay. Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ, tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng chí đồng bào lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị,

Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam chúng ta đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ - phong phú[1]. Trong kho tàng di sản quý báu đó có Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long[2].

Thưa quý vị,

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi thêm để bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn - sâu rộng hơn về một vùng Đất không chỉ anh dũng kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là một vùng quê hiền hòa - trù phú, một vùng sông nước mênh mang - lúa thơm trái ngọt và luôn đồng vọng tiếng đờn lời ca sâu nặng nghĩa tình.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Lãnh đạo và nhân dân các địa phương, các nghệ sĩ - nghệ nhân và bà con ta ở nước ngoài đã gìn giữ và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều phong trào, nhiều hình thức sinh hoạt và giao lưu phong phú, hiệu quả. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu, các cơ quan và cán bộ quản lý, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam - của nhân loại, trong đó có Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Thưa quý vị,

Văn hóa Việt Nam - cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh - nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa. Trong những năm qua, chúng ta đã chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong buổi lễ trọng thể hôm nay, tôi yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Tỉnh Thành cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và đồng bào ta, nhất là các địa phương quê hương của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang đậm tính cách dân gian vừa có tính bác học - luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ của UNESCO và các tổ chức quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thưa quý vị đại biểu,
Thưa đồng bào đồng chí thân mến,

Đất nước ta, nhân dân ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta càng phải giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu xương để dựng xây và trao truyền lại. Phải bằng các hình thức thiết thực, sinh động, hiệu quả để những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc ta thấm sâu vào tư duy và tình cảm của mỗi người. Người Việt Nam ta, dù ở trong nước hay đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, đều luôn hướng về cội nguồn, chung sức đồng lòng xây dựng non sông đất nước. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để nền Văn Hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở. Để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện và tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại.

Xin chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý và đồng bào đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn

[1] Đến nay, Việt Nam đã có 18 Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó có 08 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế.
[2] Trích bài thơ “Nhớ Bắc” 1946 của Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977), Anh hùng LLVTND. “Ai về xứ Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

Không chỉ thúc các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文