Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn
Tịch điền là lễ hội mang tính chất khuyến nông, khơi dậy truyền thống lao động sản xuất của nhân dân ta. Đây là trọng tâm của lễ hội Đọi Tam diễn ra trong 3 ngày mùng 5, 6, 7 tháng Giêng. Tiếng trống hội mở màn cho lễ Tịch điền. Sau lễ dâng hương là nghi thức cày Tịch điền. Những con trâu khỏe mạnh được lựa chọn để cày ruộng trong lễ Tịch điền.
Buổi lễ đã tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng đóng thế, theo sau là các thiếu nữ đi gieo hạt giống với khát vọng bội thu cho mùa sau. Sau cảnh đóng thế Vua Lê Đại Hành cày Tịch điền, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và đại diện dân làng xuống ruộng, cày lên những lớp đất tơi xốp với những đường cày thẳng tắp.
Màn trống khai hội Tịch điền. |
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Nam làm lễ dâng hương. |
Tái hiện Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày. |
Theo sau luống cày là các cô thôn nữ đi gieo hạt giống. |
Cuốn “Việt sử lược” biên soạn vào thời Trần đã chép sự kiện năm Đinh Hợi (987), Vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn được một chĩnh vàng, một chĩnh bạc, mở đầu phong tục tốt đẹp để các nhà Vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Cày Tịch điền xưa do Vua, các quan, bô lão cày, khai mở một năm lao động, cày cấy với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Nhiều năm nay, tỉnh Hà Nam đã tổ chức tái hiện lễ Tịch điền kết hợp với lễ hội truyền thống lâu đời ở xã Đọi Sơn. Khai hội ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 4/2) với Lễ rước nước, lễ sái tịnh. Những ngày tiếp theo là hội thi vẽ, trang trí trâu, các trò chơi dân gian, lễ cầu an.
6h30’ ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch diễn ra lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành. Tiếp theo là lễ rước kiệu, rước trống. Đúng 9h, lễ Tịch điền được khai mạc sau tiếng trống khai hội và màn múa rồng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã cùng các đồng chí lãnh đạo dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị Vua Lê Đại Hành.
Lễ Tịch điền là một phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở con cháu biết cần cù, chăm chỉ lao động sản xuất trên mảnh đất của mình, mong ước những mùa màng bội thu. Du khách đến với lễ hội Đọi Tam được trở về với truyền thống cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa và cầu nguyện sự may mắn, tốt lành trong cuộc sống