Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi):

Quan điểm khác nhau về giảm hình phạt tử hình và xử lý pháp nhân

00:30 27/05/2015
Phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chiều 26/5 đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm xoay quanh việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh (đặc biệt là các tội liên quan đến ma tuý), việc xử lý hình sự đối với pháp nhân, quy định việc chịu trách nhiệm hình sự với trẻ vị thành niên... Với vị trí quan trọng của Bộ luật này, các đại biểu đều cho rằng quá trình soạn thảo sẽ rất khó khăn và công phu.

Không bỏ tử hình với người trên 70 tuổi

Liên quan đến vấn đề có rất nhiều ý kiến khác nhau là bỏ hình phạt tử hình với một số tội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhất trí với việc rà soát để dân chủ hoá hơn và hạn chế hình phạt tử hình trên 3 phương diện: bỏ bớt tội danh, quy định chặt chẽ hơn các điều kiện để áp dụng hình phạt tử hình và hạn chế phạm vi các đối tượng có án tử hình.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, mặc dù chúng ta đã tham gia các cam kết quốc tế, nhưng cũng có các quy định “bắt buộc” và “tùy nghi”, chúng ta phải căn cứ trên điều kiện thực tiễn của Việt Nam để quy định cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền không đồng tình với việc không áp dụng hình phạt tử hình với các đối tượng trên 70 tuổi, bởi trên thực tế, nhiều tội phạm ở lứa tuổi này vẫn phạm các tội rất nghiêm trọng, như tội hiếp giết. Đồng thời, việc này cũng có thể làm nảy sinh việc người trên 70 tuổi sẵn sàng nhận một khoản tiền để ngồi tù thay cho người khác. Về tội phạm ma tuý, dù hình phạt hiện nay rất nghiêm khắc nhưng tội phạm vẫn gia tăng, do đó quan điểm của nhiều đại biểu là nên xử lý nghiêm hơn, chứ không phải giảm nhẹ, chỉ xử tử hình đối với hành vi mua bán, trao đổi chất ma tuý.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên họp ngày 26/5. Ảnh: Hoàng Long.

Việc bỏ hình phạt tử hình với tội phạm về chống hoà bình, gây chiến tranh, gây tội ác chống loài người và tội phạm chiến tranh cũng không được nhiều đại biểu đồng tình, trong đó có Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đại biểu Bùi Thị An... Tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo lại cho rằng, dù đây là những tội nghiêm trọng nhất trong những tội nghiêm trọng, nhưng trong thực tế chưa bao giờ xử tội này cả. “Nếu những người nào đó đã phạm vào tội này thì có thể đều đã phạm các tội khác ở mức nghiêm trọng thuộc khung tử hình, nên để đạt được mục tiêu giảm bớt án tử hình thì cũng nên bỏ tội này”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng cho biết, qua tham khảo Mỹ, Canada, họ chỉ áp dụng tử hình với các tội cố ý gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có chết người, và thực tế họ xử tử hình không phải ít, nhưng nhìn vào luật thì họ không có mấy tội phải xử tử. Cho nên, về kỹ thuật văn bản nên tham khảo và cân nhắc thêm.

Không thể xử lý hình sự với pháp nhân

Một vấn đề khác gây tranh cãi không kém với nhiều ý kiến trái ngược nhau chính là quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân. Một số đại biểu TP Hồ Chí Minh thống nhất quan điểm này và dẫn ví dụ vụ Vedan xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chúng ta không khởi tố do Luật không quy định. Nếu khởi tố pháp nhân sẽ là cơ sở để quy trách nhiệm với cá nhân.

Nhưng ngược lại, một số đại biểu Hà Nội lại e ngại việc khởi tố pháp nhân lại là “ngôi nhà trú ngụ” cho các cá nhân lẩn tránh trách nhiệm, cứ giải thể, rút phép là hòa cả làng. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, pháp luật của chúng ta với các nước về xử lý pháp nhân chỉ khác nhau ở cách gọi, nhưng kết quả cũng chỉ là giải thể, rút phép... “Khác nhau ở chỗ các ông có án tích, còn chúng tôi xử lý hành chính” (cùng với việc Việt Nam là do cơ quan hành chính đưa ra quyết định xử phạt, ở các nước khác là tòa án).

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, dù việc bổ sung quy định với pháp nhân đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng dự thảo cần làm rõ loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tội gì, nguyên tắc xử lý hình sự với pháp nhân cần chú ý không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân mới đảm bảo tính công bằng nghiêm minh.

Quy định về không xét giảm án với trường hợp đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống chung thân cũng được nhiều đại biểu kiến nghị cân nhắc, bởi việc ở tù suốt đời không ân giảm sẽ đẩy đối tượng vào thế không còn gì để mất và nảy sinh nhiều phức tạp. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị cần xem xét kỹ, bởi đã có những trường hợp từ tử hình xuống chung thân, xuống 20 năm rồi chấp hành án 15 năm là ra, khiến pháp luật mất tính nghiêm minh. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội:

Quy định không chặt sẽ khiến gia tăng tội phạm vị thành niên

Dự thảo quy định người chưa thành niên phạm tội chưa đạt sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ dẫn đến pháp luật không nghiêm. Ví dụ, người vị thành niên chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thậm chí cả chất nổ để giết người, nhưng trong quá trình đó bị phát hiện hoặc người ta không chết mà không phải chịu trách nhiệm thì không ổn...

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thảo luận tại tổ ngày 26/5.

Về quy định tại Điều 53 dự thảo, quy định nếu có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử lý đối tượng ở dưới khung hình phạt e rằng sẽ xảy ra tiêu cực trong xét xử. Hiện nay, việc chúng ta để khoảng cách 1 tội danh 7 đến 12 năm đã xảy ra rất nhiều thứ, nay còn áp dụng hình phạt nhẹ hơn dưới khung nếu có 2 tình tiết giảm nhẹ thì quá trình tố tụng cho đến xét xử sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực, nhiều vụ án sẽ sai lọt ngay từ ban đầu. Cần phải cân nhắc điều này.

Về cách tính thời hạn xoá án tích, tôi cũng kiến nghị nên giữ như luật hiện hành, tức là kể từ khi đối tượng đã chấp hành xong các hình phạt chính và hình phạt bổ sung, thay vì chỉ chấp hành xong hình phạt chính như trong dự thảo. Như vậy sẽ phù hợp thực tiễn hơn, nếu không sẽ khó cho quá trình thi hành án....

Cần xem xét lại việc thay thế xử lý hình sự với người chưa thành niên phạm tội bằng một trong 3 hình thức như khiển trách, giám sát tại cộng đồng, hoà giải. Xu hướng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội đang tăng lên, có cả những trường hợp phạm tội dã man như vụ Lê Văn Luyện và một số vụ việc khác đã xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh, thành xung quanh. Tôi không hiểu sau này trình tự xét xử sẽ thế nào. Vẫn là cơ quan Công an điều tra, rồi chuyển Viện kiểm sát, sang Tòa án khiển trách rồi giao cho cộng đồng là giao cho ai? Chúng ta đang có hình thức quản lý đối với phạm nhân đã ra tù tại cộng đồng, làm rất gắt gao nhưng cũng chỉ tốt ở 1 vài phường, còn hiện nay biện pháp này không có hiệu quả.      

Vũ Hân - Quỳnh Vinh

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文