Quan hệ Việt - Nga phát triển tốt đẹp
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử hơn 60 năm dựa trên nền tảng vững chắc là quan hệ hữu nghị truyền thống và tương trợ lẫn nhau. Với mục tiêu phát triển hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, Việt Nam và Liên bang Nga đã chính thức trở thành Đối tác chiến lược của nhau năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012.
Trên nền tảng vững chắc đó, hợp tác song phương ngày càng phát triển toàn diện, được đẩy mạnh cả về chiều sâu và bề rộng. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, hợp tác kinh tế hiệu quả, hợp tác nhân văn không ngừng được mở rộng.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm trở lại đây. Năm 2012 đạt 2,45 tỷ USD và 9 tháng của năm nay đạt 2,4 tỷ USD. Hai bên cần nỗ lực đàm phán và sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan. Hiệp định này sẽ tạo bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và cao hơn nhiều vào năm 2020.
Về đầu tư, Nga đã có 92 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 1,9 tỷ USD, đứng thứ 19/100 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam tại Nga cũng tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008 đã lên mức trên 2,4 tỷ USD hiện nay với 17 dự án. Hai bên đã thành lập Nhóm Công tác cấp cao nhằm xúc tiến các dự án chung ưu tiên, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, trong đó đã xác định 15 dự án ưu tiên cho thời gian tới.
Trong lĩnh vực năng lượng, hai nước đã hợp tác tốt và hiệu quả trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam, mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với nhiều dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh đang hoạt động hết sức hiệu quả như Vietgazprom, Gazpromviet, Rusvietpetro. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Nga mở rộng hơn nữa hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Hai bên cũng đang tích cực triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với phương châm an toàn, chất lượng, hiệu quả và sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển ngành điện hạt nhân; mong muốn Nga giúp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để về lâu dài Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, quản lý và vận hành an toàn Nhà máy điện hạt nhân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tháng 7/2012. |
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh quốc phòng-an ninh là lĩnh vực hợp tác truyền thống, tiếp tục được củng cố và phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy. Hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc các cấp để trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan; phối hợp đồng bộ và triển khai hiệu quả các thỏa thuận và hợp đồng đã ký kết. Hai bên còn có hàng loạt cơ chế đối thoại thường niên như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng-an ninh cấp thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng, hợp tác đa phương tại ADMM+, Shangri La… để trao đổi ý kiến thường xuyên và kịp thời về các vấn đề hợp tác quốc phòng-an ninh, về hòa bình và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và giáo dục-đào tạo giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược.
Các hoạt động giao lưu văn hóa, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng diễn ra sôi động. Hiện Nga nằm trong danh sách 10 nước có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất; năm 2012 đạt trên 176.000 lượt người và 9 tháng của năm nay đạt trên 200.000 lượt người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định quan hệ Việt-Nga đang phát triển hết sức tốt đẹp nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Trong thời gian tới, hai bên cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế với 3 trụ cột là thương mại, đầu tư và năng lượng, nhất là dầu khí, điện hạt nhân, hợp tác quốc phòng-an ninh, kỹ thuật quân sự cần được tăng cường. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch… phải được nâng lên tầm cao mới, là nền tảng quan trọng để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin (ngày 12/11), lãnh đạo hai nước sẽ đánh giá kết quả hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là việc triển khai các dự án chiến lược hiện nay trong các lĩnh vực đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân; đề ra các phương hướng lớn để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện sâu sắc và thực chất hơn nữa trong những năm tới; đồng thời đưa ra các dự án hợp tác mới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước cũng như quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga...
Chuyến thăm sẽ là dấu mốc hết sức quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Năm 1975, ông được cử vào làm việc tại Cơ quan An ninh quốc gia. Từ năm 1985-1991, ông công tác tại Cộng hòa dân chủ Đức. Từ năm 1991-1996, công tác tại chính quyền thành phố Saint Petersburg, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thị trưởng, sau đó là Phó Chủ tịch Chính phủ Saint Petersburg, Phó Thị trưởng thứ nhất Saint Petersburg, phụ trách quan hệ đối ngoại của thành phố. Năm 1996, ông chuyển công tác tới Moskva, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tài chính quản trị của Tổng thống Liên bang Nga. Ngày 26/3/1997, ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga. Tháng 5/1998, làm Phó Chánh Văn phòng thứ nhất Tổng thống Liên bang Nga, phụ trách công tác địa phương. Tháng 7/1998 là Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Tháng 5/1999, ông là Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Ngày 16/8/1999, ông được Tổng thống bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga. Ngày 31/12/1999, ông được bổ nhiệm làm Quyền Tổng thống Liên bang Nga; ngày 26/3/2000 được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga (nhiệm kỳ 1); ngày 14/3/2004, được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga (nhiệm kỳ 2). Tháng 5/2008 - 3/2012, ông là Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga. Ngày 4/3/2012, được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga (nhiệm kỳ 3). Ngày 7/5/2012, ông nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga. PV (Theo Chinhphu.vn) |