Quản lý vốn Nhà nước không thể để như “chùm khế ngọt”
Các đại biểu đề nghị cần có đại diện chủ sở hữu Nhà nước, thành lập Cục Quản lý vốn Nhà nước và nên ghi luôn trong luật. Nhà nước là cơ quan chủ sở hữu cả 2 cấp doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp địa phương. Đề nghị Bộ chuyên ngành không có chức năng quản lý vốn cần phải tách bạch riêng để đảm bảo minh bạch rõ ràng, các cơ chế thanh tra, kiểm tra, tránh thao túng làm ảnh hưởng đến phát triển, cản trở, thậm chí dễ sinh lợi ích nhóm. “Công ty phải chấp hành đúng chủ trương đường lối từng giai đoạn đầu tư: trung hạn, ngắn hạn và dài hạn”, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu ý kiến. Ông Hùng phân tích, cụ thể là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh và đảm bảo lương của người lao động. Nhiều đại biểu cho rằng đây là thước đo cơ bản của doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước. Bên cạnh đó cần quy định rõ hơn về quản trị doanh nghiệp, có chế độ kế toán thống kê minh bạch, hằng năm phải kiểm toán rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước phải kiểm toán hàng năm hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước. Liên quan tới việc giám sát, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ quản sử dụng vốn Nhà nước 100% phải có kiểm tra kiểm soát để cảnh báo. Cần cụ thể hóa các chế tài đủ mạnh để xử lý người quản lý kinh doanh thua lỗ, không trả được cổ tức, không minh bạch, người lao động bị sa sút, tránh tình trạng để thua lỗ kéo dài nhiều năm mới xử lý. Cần bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cần tạo cơ chế quản lý thông thoáng hơn…
Về những ngành nghề, lĩnh vực cần đầu tư sử dụng nguồn vốn Nhà nước, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, cần làm rõ một số vấn đề về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quy định rõ ngành, lĩnh vực Nhà nước đầu tư 100% vốn và những ngành Nhà nước không cần đầu tư vốn, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Nhà nước chỉ nên dồn vốn vào doanh nghiệp xây dựng kinh tế - xã hội. Đa số đại biểu đồng tình với Điều 10 của dự thảo luật, đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Khánh Hòa thảo luận tại tổ. Ảnh: TTXVN. |
Tách chức năng quản lý Nhà nước khỏi sản xuất
“Khái niệm vốn Nhà nước (điều 3), chưa thấy khái niệm kinh tế nào lại dài thế, mà lại cũ. Bây giờ chiểu theo Hiến pháp, các khoản thu chi phải có dự toán”, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) nêu quan điểm. Ông Nhã cho rằng, quyền sử dụng đất và tài nguyên quốc gia được Nhà nước giao cho doanh nghiệp là không được, mà đất đai và tài nguyên giao cho doanh nghiệp có quyền khai thác là đủ (như dầu khí khai thác và nộp ngân sách). Vì thế cần nhắc kỹ, không nên đưa 2 yếu tố này vào trong luật này. Về huy động vốn, điểm a điều 23, bao gồm bảo lãnh và công ty con (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) ông Nhã cho là cao. Tài chính doanh nghiệp lỏng lẻo, độ an toàn thấp, mà chỉ nên quá 2 lần, buộc doanh nghiệp phải có thói quen ra thị trường vốn. Nhiều đại biểu cho rằng doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhăm nhăm vào tín dụng, còn việc ra ngoài tìm vốn là rất ít… Về việc quy định đầu tư ra nước ngoài, một số đại biểu cho là chưa chặt, dễ dẫn đến sơ hở vì chưa rõ chủ sở hữu là ai. Chính phủ giao hết các bộ, ngành rồi, các bộ ngành lần lượt thành lập cơ quan quản lý vốn, không có cơ quan nào xem xét đầu tư ra nước ngoài, phải là Quốc hội và Chính phủ vì đó là tiền của dân. Việc sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư kết cấu hạ tầng của chính quyền địa phương là vô cùng nặng nề, vô cùng cấp thiết mà ta chưa có điều luật điều chỉnh. Nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh, đó là tạo cơ chế để tái cơ cấu phần vốn (địa phương nào cũng đầu tư vào kết cấu hạ tầng), làm thế thì pháp luật đồng bộ hơn chứ mỗi địa phương xin Thủ tướng một cơ chế thì không đâu vào đâu cả. “Cần tách chức năng Nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh. Trong Hiến pháp đã quy định đất đai, tài sản, tài nguyên là Nhà nước quản lý, tại sao ta không làm?”, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không đầu tư vào lĩnh vực mà tư nhân đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Nhà nước không cạnh tranh với khu vực tư nhân, đó là một nguyên tắc. Phải chấm dứt cho phù hợp với Hiến pháp, quản lý kinh tế theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Cấm việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, quan hệ công tác gây khó khăn, nhũng nhiễu… “Cứ cái gì dính đến vốn Nhà nước là cứ như “cây khế ngọt” để trèo hái. Phải đề ra nguyên tắc cấm thẳng như thế”, đại biểu Ngô Văn Minh kiến nghị. Những người có liên quan, có quyền quyết định quản lý những doanh nghiệp vốn Nhà nước, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc trả lại tài sản chiếm đoạt trái phép theo quy định của pháp luật...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Triển khai ngay càng sớm càng tốt Sách giáo khoa hiện nay bộc lộ một số nhược điểm: chưa đảm bảo cân đối dạy chữ và dạy người, còn nặng về nhồi nhét kìm hãm tư duy phản biện. Học sinh không có kỹ năng sống. Sách lạc lậu, từ ngữ mang tính vùng miền càng khó cho thầy cô. Ta chưa có chuẩn sách giáo khoa cho từng giai đoạn, việc đánh giá học sinh tiểu học còn nặng nề. Vì vậy, không phải chờ đề án (năm 2018) mà cần triển khai ngay càng sớm càng tốt. Một số thầy cô giáo gửi tin nhắn đến cho tôi, nói cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Bộ GD&ĐT chuẩn bị rất công phu, chi tiết, đề cập tinh hoa các nước trong khu vực. Từ mục tiêu đó, Bộ xây dựng khung chương trình đào tạo trên cơ sở hội thảo các chuyên gia, bám mục tiêu hội nhập và chiến lược đào tạo của Việt Nam. Mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa để các tỉnh, vùng miền lựa chọn phù hợp với kinh tế - xã hội tỉnh mình. Không nên dùng sách giáo khoa duy nhất của Bộ mà dành thời gian xác định chi tiết môn học, để các thầy cô đấu thầu, từ đó chọn ra 4-5 nhóm đầu tư công sức viết sách giáo khoa. Đại biểu Đặng Khánh Phong Lan: Phải đổi mới đồng bộ toàn diện Chuyện giáo dục không chỉ có sách giáo khoa mà vấn đề thầy cô thế nào, mục tiêu thì đúng nhưng e thực tế không thay đổi. Những bộ sách giáo khoa trước kia ổn định hơn nhiều, sách phổ thông là phải cập nhật để thành một công dân tốt, không thể nhồi lung tung được. Đổi mới phương pháp dạy học phải có lộ trình, điều chỉnh từng bước. Bộ GD&ĐT không nên đứng ra làm sách giáo khoa mà Bộ làm chương trình khung và thẩm định. Không nên biến học sinh thành “siêu nhân” mà không làm được gì hết. Vì lợi ích học sinh, phải tránh “hoa hồng” chung chi thương mại hóa giáo dục. Nếu cán bộ giáo dục cứ loay hoay chuyện cơm áo gạo tiền sẽ mất đi hình ảnh người thầy, phải “tôn sư” mới “trọng đạo”. Cần quan tâm đổi mới đồng bộ, toàn diện, chứ không nên chỉ trông chờ đổi mới sách giáo khoa… PV |