TS Trần Du Lịch:

'Quy định trần lãi suất không giải quyết được vấn đề cho vay nặng lãi'

14:28 09/06/2015
Trong thảo luận về dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn trong hôm nay và ngày mai, có rất nhiều quan điểm khác nhau về quy định trần lãi suất thoả thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến đại biểu ủng hộ giữ trần này, một số đại biểu lại cho rằng nó trái nguyên tắc thị trường và không có tác dụng ngăn ngừa cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Chúng tôi đã có trao đổi với TS Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM xoay quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết quan điểm về quy định lãi suất cho vay thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đang được đưa tại dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)?

TS Trần Du Lịch: Tôi nói luôn là không nên quy định như vậy. Ai trả lời được lãi suất cơ bản là cái lãi suất gì? Vấn đề điều tiết lãi suất là vấn đề khác, còn vấn đề trị tội cho vay nặng lãi thì nên quy định bằng một cách khác. Bộ Luật Dân sự trước đây đã trói lãi suất ngân hàng, rồi Quốc hội phải ra một nghị quyết giải tỏa vấn đề đó. Thực sự thì Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất bằng các công cụ chứ có điều hành qua lãi suất cơ bản đâu. Hơn nữa, chúng ta đi đến nền kinh tế thị trường, thì không nên tư duy theo cách đó.

PV: Ông có cho rằng việc thả nổi lãi suất sẽ gây khó khăn cho việc quản lý tín dụng đen như nhiều người lo ngại không?

TS Trần Du Lịch: Chúng ta phải có quy định khác, phải xem Bộ luật Dân sự, rồi Bộ luật Hình sự của các nước người ta chống tín dụng đen, chống cho vay nặng lãi bằng kiểu gì. Phải xem động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì chúng ta có nhiều cách để trừng trị, chứ không thể nào lại bóp méo thị trường.

TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

PV: Ông có cho rằng tự do hóa lãi suất thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn không?

TS Trần Du Lịch: Lãi suất hình thành trên cơ sở cung cầu về tín dụng. Nói nôm na nó là cái giá của đồng tiền. Hiện nay trong Luật tổ chức tín dụng thì chúng ta đã hướng tới cái đó rồi. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước lâu nay cũng không có công bố lãi suất cơ bản là thế nào để cơ quan hình sự căn cứ vào đó xử lý những trường hợp cho vay nặng lãi. Quốc hội cũng vì cái Bộ luật Dân sự (2005) trói buộc nên đã ra Nghị quyết thoát vấn đề này để áp dụng lãi suất thỏa thuận. Chúng ta phải làm như vậy để chờ sửa đổi Bộ luật Dân sự. Thế mà bây giờ lại quay trở lại như cũ là sao? Tôi cũng chẳng hiểu đưa ra con số 150% hay 200% là cơ sở gì? Chúng ta đừng có làm cái chuyện như vậy.

Còn cái tội cho vay nặng lãi, tức là hành vi ép buộc người dân trong một tình thế nào đó thì nhan nhản trong thực tế đời sống. Người ta cho vay ngày, cho vay đêm, cho vay ở các chợ… thì chúng ta có áp dụng được luật được đâu. Do vậy, cái này quy định như vậy thì chỉ chết các ngân hàng thôi, trong khi ở đời sống thực tế thì không giải quyết được gì.

PV: Ông cho rằng có hệ luỵ nào không nếu chúng ta vẫn giữ trần lãi suất?

TS Trần Du Lịch: Thật sự là hiện nay trong dân người ta cho vay ngày, vay tháng nặng lãi mà không trị được. Thế chúng ta làm luật như vậy là để trị ngân hàng, trói ngân hàng à? Chúng ta phải hiểu là các ngân hàng làm sao có thể cho vay nặng lãi được, tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy thì tại sao lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường để trói buộc các ngân hàng? Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi trong dân chúng, vậy thì ta phải tìm cách nào để giải quyết chỗ này trong luật hình sự.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Phương

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文