Sứ mệnh cao cả của Đảng
Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc sứ mệnh cao cả của đảng cách mạng chân chính. Đảng đó phải là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; là của dân, do dân và vì dân. Trong chính cương, sách lược vắn tắt khởi thảo từ đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân; Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân và nông dân, lãnh đạo nông dân đấu tranh chống đại địa chủ. Đảng phải vận động tiểu tư sản, trí thức, trung nông đi với giai cấp công nhân, đồng thời tranh thủ hoặc trung lập hóa tầng lớp trung, tiểu địa chủ, phú nông và tư sản Việt Nam theo nguyên tắc không thoả hiệp, bảo vệ lợi ích công nông. Đảng phải nêu cao khẩu hiệu Việt Nam độc lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới.
Với sự nhất quán đó, năm 1965 – 1969, từ khi khởi thảo đến hoàn thiện bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từng câu, từng chữ trong Di chúc đều thể hiện sự trăn trở và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong những lời căn dặn của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG- Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Là vị lãnh tụ vĩ đại, tinh hoa của dân tộc và thấm đẫm văn hóa, văn minh của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Người từng huấn thị: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Tinh thần đó được thể hiện đặc sắc trong những hoàn cảnh cụ thể. Thời điểm 1945 – 1946, khi vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, Hồ Chí Minh đã quy tụ nhân sĩ, trí thức, các nhà tư sản và đoàn kết toàn dân đẩy lui thù trong giặc ngoài.
Bởi vậy, trong Di chúc, Người một lần nữa nhấn mạnh: “ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Với sự súc tích và cô đọng sâu sắc, bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời cũng chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.
Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp Đảng ta đang tiến hành tổng kết 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, chuẩn bị các hoạt động tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII. “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng soi chiếu, đánh giá những thành tựu và dũng cảm chỉ rõ thiếu sót, khuyết điểm. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta sẽ tiếp tục nêu cao sứ mệnh lịch sử, phát huy những thành tựu, toàn tâm toàn lực lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ và văn minh như mong muốn của Người