Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong:

TP HCM làm được 100 đồng vẫn sẽ nộp 82 đồng vào ngân sách trung ương

14:20 20/11/2017
Bên lề phiên thảo luận của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh sáng 20-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: Dù TP HCM có đặc thù, nhưng tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương vẫn là 82%, nghĩa là TP kiếm được 100 đồng vẫn chuyển về Trung ương 82 đồng, nên không ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương. Đặc thù là để cho TP có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển.

PV: Theo dõi phiên thảo luận sáng nay của Quốc hội, ông có thấy TP nhận được sự chia sẻ về tầm nhìn từ các ĐBQH?

Ông Nguyễn Thành Phong: TP HCM đề xuất cơ chế chính sách để tạo xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bởi những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của TP HCM đã chậm lại. Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 9,6%/năm, nhưng từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ còn 8,05%/năm. Năm nay, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 8,4 %, nhưng không thể đạt được. Vừa qua, sơ bộ tính toán, mức tăng cao nhất cũng chỉ 8,25%.

Năm 2017, Trung ương giao thành phố chỉ tiêu thu ngân sách 347.000 tỷ đồng. Thành phố đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này, nhưng gặp nhiều khó khăn. Những tháng còn lại, thành phố sẽ cố gắng thêm các giải pháp để có thể đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng nói chung là khó khăn.

PV: Tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương tăng thêm 5% từ năm ngoái có gây khó khăn cho thành phố không. Đây có phải là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng của TPHCM chậm lại?

Ông Nguyễn Thành Phong: Tất nhiên là có khó khăn. Trước đây tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho thành phố là 23%, nay chỉ còn 18%. Trong khi đó, phần chi cho đầu tư phát triển cao nhất cũng chỉ được 35%, còn lại thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư.

TP đã tìm mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai để có nguồn đầu tư cho hạ tầng. Nếu hành lang pháp lý được tạo thuận lợi sẽ thêm cơ sở vững chắc để tạo động lực phát triển cho TPHCM. TPHCM sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư để phát triển.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bên lề Quốc hội sáng 20-11

Còn giảm tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố và việc giảm tốc độ tăng trưởng chỉ là một phần, còn những tác động khác nữa. Tôi đã báo cáo việc thu động các nguồn vốn khác nhưng ví dụ, muốn triển khai các dự án PPP thì phải có vốn mồi. Theo tính toán, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội.

Vậy nên, việc có cơ chế đặc thù cho thành phố để tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả tạo ra lớn hơn. Lúc đó, quy mô GRDP của thành phố tăng lên thì phần tuyệt đối của tỷ lệ 18% ngân sách để lại cũng sẽ lớn hơn. Và quan trọng là thành phố có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách.

PV: Thành phố đã có tính toán cụ thể việc cơ chế đặc thù nếu được chấp nhận sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia chưa?

Ông Nguyễn Thành Phong: Vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18% nghĩa là không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra. Khi trình cơ chế, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, cơ chế đầu tư, ủy quyền và thu nhập. Đó là những vấn đề nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ tạo đột phá cho thành phố.

PV: Về mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, chuyên gia, nhân tài của thành phố, sau lần điều chỉnh mới nhất từ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, đã có một mức trần được đưa ra là tăng không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; trong khi trước đó TP HCM chỉ đề xuất được tự quyết. Cơ chế này đã đủ rộng tay cho TP trong việc thu hút và sử dụng người tài?

Ông Nguyễn Thành Phong: Sau khi cơ chế được thông qua, TPHCM sẽ có hướng dẫn cụ thể. Việc tăng thu nhập này được tính đến cả đối tượng viên chức. Một mặt chúng ta thực hiện Nghị quyết của Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhưng việc này cần có lộ trình.

Nội dung cơ chế là cho phép HĐND thành phố được quyết định mức tăng lương đó nhưng mức tối đa là bao nhiêu với từng khu vực phải có một đề án cụ thể. Phải nhắc lại là, tăng lương mới giải quyết được vấn đề.

Việc khống chế lại mức tăng này như vậy có còn nhiều ý nghĩa với TPHCM so với nguyên lý chỉ cần đảm bảo để việc tăng lương này không làm ảnh hưởng đến ngân sách trung ương, còn lại thì để thành phố tự quyết?

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng để thành phố tự quyết như vậy thì tạo ra chênh lệch quá lớn với các địa phương khác nên mới đề nghị quy định mức trần là không quá 1.8 lần. Chứ còn nếu có được cơ chế như vậy thì tốt quá.

PV: Ông nghĩ sao về nhiều ý kiến cũng lo ngại, tăng lương khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tại TPHCM tiếp tục được đẩy lên, gây áp lực lên mặt bằng chung cả nước?

Ông Nguyễn Thành Phong: Vấn đề này cũng thuộc trách nhiệm của thành phố. Thành phố phải quản để sao giá tiêu dùng không tăng quá mức chứ nếu tăng lương, tăng thu nhập mà giá cả cũng tăng lên thì mức lương thực tế đâu có ý nghĩa gì. Vậy nên vấn đề còn lại là phải kiềm chế làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm không bị đẩy theo lên để ảnh hưởng đến đời sống người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phải thu 1000 tỷ đồng mới hoàn thành “nhiệm vụ”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Với vị trí đầu tàu của cả nước, TP HCM chiếm 1/5 GDP, 1/3 số doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần cả nước, có cơ cấu kt hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ... TP phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho phát triển cả nước.

Về NSNN, TP đóng góp gần 30% tổng thu NS hàng năm. Dự toán 2018, QH giao cho TP là 376.000 tỷ đồng, tức là để hoàn thành dự toán 2018, TP phải thu trên 1.000 tỷ/ngày. 

Chính sách thí điểm cho TP, các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu là phân cấp, phân quyền đối với quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế uỷ quyền giữa các cấp, thu nhập của cán bộ công chức viên chức do TP quản lý. Theo quy định hiện hành, đây là thẩm quyền của cấp trên nay phân cho TP thực hiện.

Việc ban hành nghị quyết không có nghĩa TP thực hiện tăng thuế ngay mà TP phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, đối tượng chịu thuế, đánh giá tác động đầy đủ đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân, các tác động xã hội khác để báo cáo HĐND TP, báo cáo Chính phủ để trình với UBTVQH hoặc QH nếu cần thiết để xem xét, quyết định.

Vũ Hân

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文