Quốc hội thảo luận tại tổ về các mục tiêu kinh tế - xã hội 2014:

Thành tựu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô

00:27 25/10/2013
Ngày làm việc thứ 4 của Quốc hội kỳ này, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội (KT-XH) 5 năm 2011-2015 và những kết quả của 3 năm gần đây. Dù những mục tiêu chính đã đạt được là đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng về bội chi ngân sách, nợ công và những căn bệnh cố hữu của nền kinh tế.

Kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội

Với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH 2011-2013, đa phần các đại biểu đều cho rằng, những mục tiêu lớn chúng ta đều đã đạt được, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chặn được nguy cơ đổ vỡ của một số ngân hàng thương mại...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra những điểm sáng trong nền kinh tế năm qua như tỷ giá được giữ rất ổn định, tăng niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, chống được đôla hóa. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng giảm từ 20% xuống còn 12%, kèm theo đó là dự trữ ngoại hối tăng.

Cán cân thương mại cải thiện rõ nét thể hiện ở nhập siêu từ hàng chục tỷ đô la giảm xuống còn khoảng 1 tỷ đô la dự kiến trong năm nay, do đó cán cân vãng lai cũng được cải thiện. Nếu như năm 2007, cán cân vãng lai âm 9,8 % so với GDP, thì đến 2013, theo dự báo của thế giới, chúng ta sẽ thặng dư 7,9% GDP, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Ổn định được vĩ mô là thành tựu lớn nhất. Từ ổn định này tạo cho chúng ta dư địa để có những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để đổi được kết quả đó, chúng ta đã phải trả một cái giá rất lớn là sự suy giảm nghiêm trọng KT đất nước. Theo đại biểu Trần Du Lịch: Trong nhiều năm qua, giai đoạn 2013 là giai đoạn tăng trưởng rất thấp so với trước đó, cũng là giai đoạn bộc lộ rõ nét nhất sự yếu kém của khu vực kinh tế trong nước.

Doanh nghiệp Nhà nước đuối sức trong cạnh tranh, khu vực tư nhân, đặc biệt DN vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp tăng trưởng rất khó khăn. Chỉ còn lại khối đầu tư nước ngoài bám trụ. Phải làm rõ nguyên nhân tại sao trong điều kiện giống nhau nhưng khu vực KT trong nước đuối sức như vậy?

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng năm 2013 và kể cả 2014, nền kinh tế chưa thoát khỏi trì trệ, những chỉ tiêu lớn của kế hoạch 5 năm là khó đạt được, do thực tế, do bối cảnh tình hình đặt ra. Tuy nhiên, không nên vì thế mà nóng vội thúc đẩy thị trường bằng mọi cách, thành quả ổn định vĩ mô phải được củng cố đến năm 2015 để tiến hành tái cơ cấu. Đại biểu kiến nghị không nên tách riêng mà đặt chỉ tiêu cho cả 2 năm 2014, 2015 với tăng trưởng xoay quanh 6% và lạm phát khoảng 7%.

Đại biểu thảo luận tại tổ ngày 24/10.

“Bắt mạch” đúng, vấn đề là thực hiện

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về thu chi ngân sách và sự trì trệ của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân lo lắng tình hình bội chi ngân sách, khả năng không đạt được mục tiêu giảm bội chi của Quốc hội và cho rằng nợ công mấy năm gần đây đã đến mức phải cảnh báo. Nếu năm 2011 nợ công là 1.370 nghìn tỷ, năm 2012 là 1.630 nghìn tỷ thì sang năm 2013 đã lên mức 2.074 nghìn tỷ. Như vậy, mỗi năm nợ công tăng bình quân 400 nghìn tỷ, đã đến mức cần xem xét và cảnh báo.

Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn tiếp tục tăng. 9 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính có hơn 42.000 DN ngừng hoạt động, sẽ có tác động đến công ăn việc làm. Nguyên nhân của tình trạng này được các đại biểu cho rằng vẫn luẩn quẩn là nợ xấu chưa giải quyết triệt để, thị trường bất động sản - nơi phát sinh ra khủng hoảng vẫn tiếp tục đóng băng, đầu tư công vẫn chưa được cải thiện một cách rõ nét.

Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đó là kiên định 3 chương trình đột phá và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng vào khu vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng.

Các đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm hơn đến tái cơ cấu khu vực dân doanh, hỗ trợ bằng chính sách để khu vực này tái cơ cấu đồng bộ với nền kinh tế. Tạo thêm lòng tin cho khu vực dân doanh để đảm bảo tăng trưởng 5,8% vào 2014 thì chúng ta phải huy động tổng đầu tư xã hội 1.200 nghìn tỷ, trong đó 500 nghìn tỷ là khu vực dân doanh. Nếu chỉ tăng đầu tư công mà khu vực dân doanh không tăng thì cũng không đạt mục tiêu.

“Quan trọng nhất của khu vực này là niềm tin vào chính sách của chúng ta, vào KT vĩ mô và họ cần thiết có những cam kết. Chúng ta phải cam kết rằng chúng ta đủ khả năng kiềm chế lạm phát 5 – 7% trong nhiều năm, NHNN dựa vào đó dám cam kết cho vay lãi suất 7 -9% thì người ta mới dám vay để đầu tư. Tôi cũng nghĩ rằng Chính phủ đủ khả năng cam kết”.

Các đại biểu cũng cho rằng đây là cơ hội vàng để chúng ta cải cách hành chính, xem xét lại các văn bản pháp luật vì hiện có nhiều văn bản đứng bên lề cuộc sống, gây bức xúc cho XH.

Các đại biểu cho rằng tất cả các giải pháp này đã bao quát được các vấn đề cần tập trung xử lý, nhưng vấn đề là làm sao cụ thể hóa và triển khai nhanh đi vào cuộc sống, bởi thường thì chúng ta chẩn đoán, nhìn vấn đề và đưa ra giải pháp trên văn bản thì rất tốt, nhưng triển khai thì còn có tình trạng chần chừ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Chúng ta còn để người nông dân tự mày mò

Trong các nhóm giải pháp, tôi cho rằng phải quan tâm thêm một yếu tố nữa là  tăng cường hiệu quả và hiệu lực kiểm soát thị trường.

Ví dụ do kiểm soát không tốt để tình trạng thương nhân nước ngoài vào tổ chức thu mua tôm, DN trong nước không có đủ nguồn nguyên liệu, phải ngưng sản xuất, rối loạn thị trường, phải tranh mua tranh bán. Không kiểm soát được tình trạng nhập khẩu hàng nông sản, chưa quan tâm và tạo ra được hàng rào kỹ thuật về tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm soát thị trường này.

Đa số ngành nông nghiệp của chúng ta là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Chính phủ cần xây dựng những mô hình để tập hợp người nông dân lại. Tôi có cảm giác chúng ta vẫn để người nông dân tự mày mò.

Đại biểu Trương Thị Ánh: Cử tri gửi gắm  nhiều tâm tư về việc chống tham nhũng

Hiện người dân còn có nhiều lo lắng, đầu tiên là vấn đề phòng chống tham nhũng. Chúng tôi đi tiếp xúc, cử tri gửi gắm rất nhiều, muốn đại biểu mang đến diễn đàn của QH tiếng nói của cử tri về việc làm sao đấu tranh chống tham nhũng trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt có những tồn tại chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý. Xử lý tội tham nhũng vẫn nương nhẹ, lạm dụng xử lý hành chính. Có những vụ án tham nhũng lớn người dân rất theo dõi nhưng xử lý vẫn còn chậm. Chúng ta phải có giải pháp quyết liệt hơn.

Đại biểu Đỗ Văn Đương: Hàng chục ngàn công chức “cắp ô”, hỏi lấy đâu ngân sách mà nuôi

Các báo cáo không sai nhưng thiếu thiết thực, chưa cụ thể. Chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng sao nợ xấu cứ tăng, nợ công ngày càng nhiều lên, bất động sản ngày càng trầm lắng? Gói cứu trợ 30 nghìn tỷ không giải quyết được, đến nay không có đánh giá. Mà chúng ta vẫn tiếp tục xây nhà ở XH, tại sao không xây nhà cho thuê. Mình đã ít tiền rồi mà cứ thích sở hữu nhà. Các giải pháp cứ loay hoay mãi, luẩn quẩn chưa có lối thoát.

Hàng ngàn dự án bỏ hoang trong đó có dự án hàng tỷ đô, lãng phí hàng trăm nghìn ha đất, 10 năm tới cũng chưa làm hết được số đất đã cấp mà chưa triển khai. Phải đi vào cái cụ thể thì mới giải quyết được cái căn bản. Cứ bảo phải phát triển nguồn nhân lực, tôi xin lỗi, cứ làm tốt nguồn nhân lực hiện nay đi.

Một số đánh giá cho rằng trên 30% công chức không làm việc nhưng báo cáo của Bộ Nội vụ thì con số này là 1%, không phù hợp thực tế. Hàng chục ngàn công chức như thế, hỏi lấy đâu ngân sách mà nuôi.

Đại biểu Trần Du Lịch: Tái cơ cấu làm rất chậm vì chưa đúng phương thức

Dù có rất nhiều báo cáo bao nhiêu DN, Tập đoàn đang phê duyệt đề án nhưng tái cơ cấu DNNN làm rất chậm do phương thức làm. Tôi tiếp tục đề nghị, nếu Nhà nước muốn tiến hành cổ phần hóa những DN xác định không cần nắm, tại sao không CP hóa Tổng Công ty luôn để  lấy phần vốn đó làm việc khác mà làm từ công ty con, mang cổ phần về cho Tổng Công ty giữ làm gì.

Tôi làm việc với một số DNNN, họ kêu bắt chúng tôi đi cổ phần hóa từng đơn vị một, rất khổ sở. Nếu Tổng Công ty của họ xác định NN không cần nắm giữ thì tại sao không định giá luôn Tổng Công ty, bán 49% vốn nhà nước để cho nó hoạt động. Đã cổ phần hóa từ trên rồi, bên dưới đương nhiên nó sẽ tự giải quyết. Đây ta lại làm từ dưới lên.

Bây giờ có tình trạng cào bằng, chỗ cần thì đi vay tiền, chỗ không cần thì nhốt tiền lại đó, nguồn lực bị lãng phí ghê gớm. Phải sử dụng hiệu quả cái nguồn đang có đã rồi hãng đi vay. Vay nợ mà lãng phí những cái đang có thì tôi không đồng tình.

Vũ Hân - Kim Quý

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文