Thí điểm mô hình kinh tế xanh, tăng nguồn lực tài chính
Đề án do Ban cán sự Đảng Chính phủ soạn thảo, nhận định “Biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển, đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu”.
Từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt từ năm 1980 trở lại đây, hoạt động của con người làm gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ trái đất tăng lên (sự nóng lên toàn cầu với những biểu hiện của sự tăng nhiệt độ không khí và đại dương, sự tan băng diện rộng và qua đó là tăng mực nước biển trung bình toàn cầu). Trong 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74 độ C, tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gấp đôi so với 50 năm trước đó. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Biến đổi khí hậu hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn.
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu
Theo đề án, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chủ động phòng tránh thiên tai; giữ chất lượng môi trường sống không bị suy giảm, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đánh giá được các nguy cơ thiên tai; nâng cao năng lực và lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của các vùng, miền; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân...
Một số chỉ tiêu được xác định như bảo đảm diện tích đất nông nghiệp đạt 26,7 triệu ha; bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó có 3,2 triệu ha đất chuyên trồng lúa nước; khai hoang, phục hóa hơn 1,6 triệu ha đất chưa sử dụng; cải tạo một bước các vùng đất bị ô nhiễm; không để mở rộng thêm diện tích đất bị thoái hóa, bạc màu, hoang mạc hóa. Nâng độ che phủ rừng lên 42 - 43% vào năm 2015, lên 44 - 45% vào năm 2020; ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu ha; phục hồi 0,62 triệu ha rừng tự nhiên; trồng 250.000ha, khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên 750.000ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cải tạo 350.000ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Nâng tổng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 2,5 triệu ha; không có thêm loài hoang dã quý hiếm bị tuyệt chủng; kiểm soát được sự xâm nhập và phát triển của các loại ngoại lai xâm hại môi trường; 70% diện tích các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái được phục hồi. Cải thiện và nâng cao điều kiện, môi trường sống của người dân: 95% dân đô thị, 90% dân nông thôn được cung cấp nước sạch...
Biến đổi khí hậu khiến bão lũ phức tạp hơn. Ảnh: Duy Hiển. |
Hưởng lợi từ tài nguyên phải trả tiền
Nội dung đáng chú ý trong đề án là việc tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường dựa trên nguyên tắc “người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền”, “người gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí xử lý, khắc phục và cải tạo môi trường” theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú ý đầu tư cho xây dựng và phát triển hệ thống giám sát, cảnh báo khí hậu. Từ năm 2016, đề án cho rằng cần ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (dự thảo trước đó, đề án xác định tăng dần mức chi sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2020). Sử dụng nguồn thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đầu tư trở lại cho điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, nhất là khoáng sản biển.
Đề án xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Hồng và sông Mê Công, dự báo sớm những vấn đề liên quan đến nguồn nước quốc gia để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thiết bị, công nghệ tự động trong giám sát hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường cơ chế điều hòa, điều tiết các nguồn nước góp phần hạn chế thiếu nước theo vùng và theo mùa; xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp đảm bảo dòng chảy kiệt vào mùa khô trên các lưu vực sông và an ninh nguồn nước. Điều tra, đánh giá và có biện pháp bảo vệ chống xói mòn, rửa trôi, sa mạc hóa; bảo vệ tài nguyên đất gắn với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên; phòng, chống suy thoái đất do tác động của biến đổi khí hậu; chống ô nhiễm môi trường đất; tăng cường điều tra, đánh giá các loại khoáng sản mới, hiđrat ở biển đến độ sâu 300 - 2.500m nước từ Quảng Ngãi đến Cà Mau...
Ông Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn cho rằng, so với kịch bản nước biển dâng năm 2009, kịch bản lần này đã tính toán chi tiết hơn cho từng khu vực ven biển Việt Nam. Việc phân chia thành 7 khu vực ven biển giúp cho việc tính toán mực nước biển dâng chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời thuận lợi để phối hợp xây dựng giải pháp ứng phó mang tính liên tỉnh. “Kịch bản lần này cũng bổ sung tính toán và trình bày các bản đồ nguy cơ ngập cho khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu). Diện tích có nguy cơ ngập cũng được tính toán chi tiết cho các vùng và tỉnh” - ông Thục nói.
Theo kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm tăng 2 - 3 độ C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với các nơi khác. Về nước biển dâng, vào cuối thế kỷ XXI, ở ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng từ 57 - 73cm, khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển tăng cao hơn so với các khu vực khác