Thông điệp hòa bình từ những người lính Quân y Việt Nam

07:58 15/12/2019
Trong những ngày đầu tháng 12-2019, một sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân TP Hồ Chí Minh, đó là đón tiếp đoàn cán bộ chiến sỹ của bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 (BVDC 2.1) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Phái bộ Nam Sudan trở về.


63 tấm Huy chương vì Gìn giữ hoà bình (GGHB) cùng Bằng khen về thành tích xuất sắc của Liên hợp quốc trao tặng cho họ như một thông điệp khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn sẵn sàng chung tay hành động GGHB Liên hợp quốc (LHQ).

Hành trang của người lính làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình

Ngày 1-10-2018, Việt Nam lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị, BVDC 2.1 tham gia sứ mệnh GGHB LHQ tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan. Trong đội quân ấy, lần đầu tiên có những người lính Quân y của Việt Nam được cử đi. Họ đã vượt qua hơn 10 ngàn km với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế cũng như đem tới những điều tốt đẹp nhất cho người dân bản địa nơi đây. Ngày trở về (5-12) vừa qua, họ mang theo những tấm huy chương vẻ vang và rất nhiều tình cảm yêu mến của người dân bản địa tại vùng căn cứ Bentiu-Sudan đã dành tặng.
Những người lính Quân y tự hào và vinh dự khi được làm nhiệm vụ quốc tế gìn giữ hoà bình.

Đại uý Nguyễn Hồng Hải, - Hành chính trưởng của BVDC 2.1 kể lại: “Trước khi sang làm nhiệm vụ, chúng tôi đã được huấn luyện rất kỹ về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và trau dồi về ngoại ngữ, đặc biệt là những khoá học nghiêm ngặt về việc nâng cao thể lực, các kỹ năng sinh tồn để có thể sống và làm việc ở một khu chiến sự đa quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi những giao tranh và xung đột.

Song khi tới Nam Sudan mới có cảm nhận đầy đủ nhất về một quốc gia mà người dân đang rất cần sự hỗ trợ. Người dân nơi ấy đang phải sống cực khổ hơn là mình nghĩ, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống lại không có đủ chất dinh dưỡng. So với những khó khăn mà chúng tôi lo lắng chuẩn bị phải thích nghi thì không là gì so với cuộc sống mà người dân ở nơi ấy đang phải chịu đựng”.

Được biết, hơn 1 năm hoạt động tại đây, BVDC 2.1 đã chủ động tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng doanh trại như xây dựng, cải tạo và củng cố hệ thống các hạng mục: nhà bếp, kho tàng để bảo quản các trang thiết bị máy móc, nhà vệ sinh, đường đi bộ quanh khuôn viên BV. Bảo đảm duy trì ổn định hệ thống phát điện, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống tiếp nhận xăng dầu theo đúng quy định của LHQ phục vụ nhiệm vụ chuyên môn y tế, chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, hàng ngày ngay khi đặt chân tới Bentiu, các cán bộ, nhân viên của BV đã rất ý thức trong việc cải tạo đất đai tạo cảnh quan môi trường quanh BV và nơi ở xanh, sạch, đẹp.

Trong quan hệ với người dân bản địa, BVDC 2.1 luôn gần gũi hòa đồng, tích cực hỗ trợ giúp đỡ mỗi khi có điều kiện tiếp xúc, tôn trọng bản sắc văn hóa người dân nước sở tại. Không chỉ vậy, họ còn tranh thủ những lần tiếp xúc để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam tại khu bảo vệ thường dân. Tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đẹp với người dân địa phương.

Đại uý Hồng Hải cũng cho biết, có những trường hợp bệnh nhân thuộc diện đưa vào điều trị tại Bệnh viện không biên giới nhưng trước tính mạng của bệnh nhân, BVDC 2.1 báo cáo và xin được điều trị cho bệnh nhân. Sau đó kịp thời chuyển họ lên tuyến trên cách Căn cứ 1000km.

Đại uý Phạm Thị Thu Trang, nữ điều dưỡng khoa Sản của BVDC 2.1 kể, cuộc sống của dân bản địa khiến mình có cảm nhận họ đang sống trong nền văn minh cách đây hàng trăm năm. Vì vậy song song với các công tác chuyên môn, CBCS của BV tăng cường các hoạt động tăng gia sản xuất. Giám đốc BVDC 2.1- Trung tá Bùi Đức Thành là người đầu tiên tự tay trồng xuống đất ở nơi đóng quân một cây mướp. Từ đó, anh em bỏ công sức và trồng được nhiều loại rau xanh khác nhau như: rau mồng tơi, bầu, bí, ớt, rau muống, cải bẹ, và trồng cả hoa nữa.

Tự hào khi được làm sứ giả của hoà bình

Được biết, sau hơn 1 năm làm việc tại Nam Sudan, BVDC 2.1 đã tiếp nhận và điều trị cho 2.022 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, phẫu thuật được 62 ca trong đó có 21 ca trung - đại phẫu và 41 ca tiểu phẫu; vận chuyển thành công bằng đường không lên BV tuyến trên 07 trường hợp. Các bệnh nhân đến khám và điều trị đều đảm bảo về chất lượng điều trị, không xảy ra tai biến tai nạn.

Đại uý Thu Trang cũng cho biết, trong số 62 ca phẫu thuật có nhiều ca mổ cấp cứu ấn tượng như trường hợp phẫu thuật cắt hơn 1 mét ruột bị hoại tử cho một quân nhân người Mông Cổ, sau đó kịp thời đưa người bệnh lên tuyến trên theo dõi hậu phẫu. Dù khi tiến hành phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân trên bàn mổ tại BVDC đơn sơ được ví như một thứ “thiết bị du lịch xách tay”, đèn mổ cũng không đủ ánh sáng. Song, tất cả các ca mổ đều đã thành công.

Chỉ huy y tế Phái bộ, Chỉ huy trưởng Căn cứ Bentiu và các đơn vị tại địa bàn đánh giá cao về trình độ chuyên môn, chất lượng điều trị của BVDC 2.1. Tại buổi trao huy chương vì sự nghiệp GGHB LHQ, ngài Tư lệnh đã phát biểu: “mặc dù BVDC cấp 2 của Việt Nam lần đầu tiên triển khai  thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động LHQ nhưng đây là BVDC cấp 2 chuyên nghiệp nhất tại Phái bộ cho tới nay”.
Hạnh phúc khi gặp lại người thân trong ngày trở về quê nhà.

Đặc biệt, trong hơn 1 năm sống và làm việc tại Bentiu, BVDC 2.1 đã bảo đảm cung cấp được hơn 6 tấn rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của CBCS,  đồng thời làm được nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam; vừa để chiêu đãi đồng nghiệp và bạn bè cũng như khách quốc tế đến thăm đơn vị, vừa giới thiệu và quảng bá về văn hoá, ẩm thực của Việt Nam với bạn bè, người dân bản địa.

Sứ mệnh gìn giữ hoà bình đã đưa những người lính của BVDC 2.1 tới đất nước xa xôi, cách quê nhà hàng chục ngàn km. Làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt khó khăn và cả nguy hiểm, nhưng với sự lạc quan trong cuộc sống gắn kết họ với nhau, giữa những người lính LHQ và những chiến sỹ của Việt Nam trong nhiệm vụ GGHB. Tại nơi mà cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi những giao tranh và phân biệt sắc tộc, họ càng thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc.

Khi làm việc tại nơi này, dù rất bận nhưng CBCS của BVDC 2.1 thường dành chút ngày công đi hướng dẫn bà con địa phương ăn uống vệ sinh, giữ gìn phòng chống ngộ độc thực phẩm… họ đã thực sự gửi gắm cả tâm hồn và hành động làm điều tốt đẹp nhất cho người dân nơi đây vơi bớt nỗi đau chiến tranh.

Giám đốc BVDC 2.1 là Trung tá Bùi Đức Thành, người đã gieo hạt mướp đầu tiên tại khu căn cứ, từ đó tạo nên cả một mảng xanh kéo dài suốt khu nhà ở của BVDC 2.1, nói: “Nhìn những cây trái của chính những người lính Việt Nam tạo nên một mảng màu xanh tại căn cứ vùng Nam Sudan, trong lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc.

Tôi càng tự hào và vinh dự khi mình là một trong những thành viên của QĐND Việt Nam được làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, được chia sẻ màu xanh của hoà bình, của an lành và hạnh phúc ấy từ Việt Nam đến với những người dân tại nước bạn còn đang rất thiếu thốn”.

Huyền Nga

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文