Truyền thông quốc tế ca ngợi thành công trong chống dịch của Việt Nam

07:48 25/04/2020
Đó là chủ đề đang được nhiều hãng truyền thông quốc tế đề cập tới, bên cạnh những thành công kỳ diệu của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Việt Nam đã trở thành một điển hình cho cuộc chiến này.

Nhấn mạnh “thành công tuyệt vời của Việt Nam trước virus Corona”, truyền thông Pháp khẳng định “khó có thể làm tốt hơn” Việt Nam khi họ tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến thành công “kỳ diệu” của Việt Nam. Tất cả đều cho rằng, Việt Nam đã nhận thức sớm và nghiêm túc về nguy cơ từ đại dịch COVID-19. Ngay từ khi Trung Quốc công bố những ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam nhanh chóng áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng, trong đó có quyết định sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Theo truyền thông Pháp, thành công của Việt Nam đến từ chính sách xác định và theo dõi nghiêm ngặt cá nhân hoặc nhóm người đã nhiễm virus hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Họ khẳng định, Việt Nam không có nguồn lực tài chính mạnh để chống dịch như các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Hàn Quốc. Vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn một chiến lược được báo chí phương Tây gọi là “chiến lược chi phí thấp”.

Một khu vực được cách ly ngay khi phát hiện có người mắc COVID-19 tại Hà Nội.

Theo đó, thay vì thực hiện chính sách xét nghiệm hàng loạt tốn kém, Việt Nam tập trung xét nghiệm có trọng tâm, cách ly người nhiễm bệnh và truy tìm những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F1), cũng như lần theo dấu vết của những người đã tiếp xúc với F1 (F2 và F3). Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, tiến hành cách ly một vùng hành chính rộng (xã Sơn Lôi – Vĩnh Phúc) sau đó là các địa phương hay khu vực khác. Ngoài ra, học sinh trên toàn đất nước được cho học tại nhà kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, việc mang khẩu trang là bắt buộc đối với toàn dân.

Các biện pháp của Việt Nam được đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “chủ động và nhất quán” trong suốt quá trình chống dịch. Quan trọng hơn, chiến lược này nhận được sự ủng hộ của toàn dân. Trong bài viết của mình, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam (người bị nhiễm SARS CoV-2 và đang được chữa trị tại Việt Nam), khẳng định, Việt Nam đã đạt được những kết quả “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống COVID-19, hệ thống bệnh viện của Việt Nam không hề quá tải và hoàn toàn nằm trong kiểm soát.

Ngoài ra, việc Việt Nam tặng khoảng nửa triệu chiếc khẩu trang cho các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh hay các nước láng giềng Lào và Campuchia, cũng được truyền thông Pháp đưa tin. Về vấn đề công bố thông tin liên quan dịch COVID-19, truyền thông Pháp khẳng định, Việt Nam công bố một cách minh bạch và những con số được cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra được đánh giá là “đáng tin cậy”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh thông báo tình hình chung của Việt Nam với 268 ca nhiễm bệnh COVID-19 nhưng chưa có bệnh nhân tử vong. Trang này cho hay: “Việt Nam nhận được sự khen ngợi vì kiềm chế sự lây lan của virus mặc dù ít tiềm lực hơn so với những nơi được coi tương đối thành công khác là Hàn Quốc và Đài Loan”.

Theo Reuters, Việt Nam đã áp dụng những biện pháp chống dịch ngay từ sớm. Một ngày sau khi hai ca đầu tiên bị phát hiện, Hà Nội ngừng ngay chuyến bay tới Vũ Hán (Trung Quốc) nơi đang có dịch bệnh nổ ra. Một vài ngày sau đó, Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc, ngoại trừ các giao dịch thiết yếu. Tới tháng 3, tất cả người dân trên toàn quốc buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Một tờ báo khác của Anh, tờ Daily Mail thì đăng tải bài viết dài với nội dung “Việt Nam nới lỏng các quy định sau khi công bố chỉ có 268 ca bệnh, không có người chết nhờ cách ly diện rộng dù sát biên giới với Trung Quốc”. Daily Mail cũng đánh giá cao những biện pháp cứng rắn của chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19. Theo đó, dù mới chỉ có hơn một chục ca nhiễm bệnh vào đầu tháng 2, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ngừng chuyến bay đi và đến Trung Quốc.

Sự chấp hành quy định của người dân các tỉnh thành cũng được đánh giá cao. “Khắp châu Âu và Mỹ, chính quyền đang vất vả để giữ người dân ở trong nhà. Những bãi biển vẫn đông nghẹt người và những người biểu tình từ chối tuân theo các lệnh giãn cách”.

Tờ Economy Next (Sri Lanka) thì ca ngợi Việt Nam là “người dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2”. Tờ báo thông tin về việc nới lỏng phong tỏa của Việt Nam như người dân có thể đi lại tự do hơn, các nhà hàng được phép mở cửa. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo, người dân vẫn phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Theo Economy Next, sự thành công của Việt Nam là nhờ tích cực theo dấu các mối liên hệ của người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, Bộ Y tế và lực lượng Quân đội cũng nhận được sự ủng hộ của xã hội và cách ly được hơn 40.000 người bao gồm cả người nước ngoài. Tờ The Conversation (Australia) cũng có bài viết phân tích thành công của Việt Nam dựa trên 3 yếu tố quan trọng trong chính sách của chính phủ. Đó là quy định đo nhiệt độ và xét nghiệm, cách ly tập trung và giãn cách xã hội, thông tin nhanh chóng.

Trong bài viết, The Conversation ca ngợi bộ kit xét nghiệm của Việt Nam cho ra kết quả trong vòng 90 phút với chi phí 400.000 - 600.000 đồng. “Chi phí xét nghiệm là điều được quan tâm ở tất cả mọi nơi, nhưng đặc biệt quan trọng ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam”, tờ báo nhận định.

Minh Hải (tổng hợp)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文