Tự hào là những người lính cận vệ của bác Lê Duẩn
Càng được gần gũi bác Ba, những người lính cận vệ thấu hiểu: bác là người rất có kinh nghiệm về công tác an ninh nói chung và công tác cảnh vệ nói riêng. Những kinh nghiệm đó được tích lũy từ thời kì bác còn hoạt động bí mật, phải thường xuyên lẩn tránh sự truy lùng của mật thám.>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Chỉ còn 5 ngày nữa là tới lễ Táo quân về Trời, đúng là duyên kì ngộ, tôi được cùng những người lính cận vệ năm xưa của Tổng Bí thư Lê Duẩn, về Kẻ Gỗ dự lễ khánh thành đền thờ ông. “Anh Ba”, hoặc “Bác Ba” - đó là cách gọi kính trọng và thân mật của đồng chí, đồng đội và những người lính cận vệ với đồng chí Tổng Bí thư. Từ Hà Nội, chiếc xe công vụ của chúng tôi lần lượt qua Thanh Hóa, Nghệ An và đón thêm những người đồng đội từng một thời có vinh dự là cận vệ của “Bác Ba”…
Câu chuyện dọc hành trình từ Hà Nội về Hà Tĩnh giữa chúng tôi như chìm trong kí ức về những năm tháng được phục vụ, bảo vệ bác Lê Duẩn. Gần 30 năm sau ngày bác Ba đi xa, tình cảm của những người lính cận vệ với bác vẫn vẹn nguyên sự kính trọng, yêu thương như ngày nào. Cao niên nhất trên xe là ông Phạm Sỹ Võ (77 tuổi, hiện nghỉ hưu ở Diễn Châu, Nghệ An). Ông Võ là người có thâm niên được phục vụ, bảo vệ tiếp cận Tổng Bí thư Lê Duẩn.
“Anh Ba là người dễ gần, giản dị… Trong lần về thăm và làm việc với tỉnh Nghệ An, anh đã đến thăm nhà tôi. Trưa hôm đó, anh đã nghỉ lại nhà tôi. Ngày ấy, cả nước còn nghèo, nhà cửa trống tuềnh trống toàng. Anh dùng trà xanh và vui vẻ nói chuyện với mọi người. Thực là tự hào lắm, dân làng Diễn Thịnh sau này còn truyền tụng mãi sự kiện anh đến thăm nhà tôi”.
Cùng trên chuyến xe còn có Đại tá Nguyễn Huy Công (Hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ An ninh Dầu khí Việt Nam - PV Security) có vinh dự được bảo vệ, phục vụ bác Ba từ năm 1977 cho đến khi bác qua đời. Một số cựu sĩ quan cận vệ khác hiện đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành như các ông Chu Trọng Bình, Nguyễn Văn Tô, Nguyễn Văn Mỡ, Biện Văn Thông… Gần ba thập kỉ đã qua, họ vẫn gắn bó với nhau và vẹn nguyên tình cảm với bác Ba và những người thân trong gia đình bác. Hầu như những dịp sinh nhật hoặc ngày giỗ của bác họ đều có mặt như con cháu trong nhà, thắp nén hương thơm tưởng nhớ bác Ba...
Đại tá Nguyễn Huy Công là người có vinh dự được bác Ba đến dự đám cưới vợ chồng anh. Đại tá Công tự hào: “Với những anh em cảnh vệ, vốn thường xuyên được gần gũi và nhận sự quan tâm trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, điều này vẫn là một vinh dự đặc biệt. Nhất là, trong đám cưới tôi, có các cụ trong họ từ quê hương Nghệ An ra dự, thì việc "Bác Lê Duẩn đến dự đám cưới thằng Công nhà mình!" trở thành niềm vinh dự của cả họ, cả làng. Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1981. Đám cưới được tổ chức ngay tại hội trường cơ quan Cục Cảnh vệ, bác Ba và bác gái cùng đến dự, chúc phúc cho chúng tôi. Trong số những món quà hai bác dành cho chúng tôi, có cuốn album ảnh mà đến nay gia đình tôi vẫn trân trọng nâng niu, giữ gìn".
Các cựu sĩ quan cận vệ và vợ chồng Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, con trai của TBT Lê Duẩn (thứ ba và thứ tư từ phải sang) tại lễ khánh thành.
Đại tá Nguyễn Huy Công xúc động nhớ lại một kỉ niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn: Năm 1976, khi bác Ba đi thăm vùng than Quảng Ninh, có ghé thăm đảo Ngọc Vừng. Từ Hà Nội, đoàn tiền trạm cảnh vệ chúng tôi đi Quảng Ninh, với đầy đủ phương tiện, trang bị cần thiết thời đó. Tôi lái chiếc Uoazt đến một quân cảng, rồi chiếc xe được đưa lên tàu Hải quân để chở ra đảo...
Năm đó tôi còn rất trẻ, lần đầu tiên được trực tiếp phục vụ bác Ba trong một chuyến công tác, nên không tránh khỏi tâm trạng lo lắng... Chiếc máy bay trực thăng xuất hiện giữa biển trời mênh mông và đỗ xuống một bãi đất bằng phẳng trên đảo, bác Ba xuất hiện, giơ hai tay vẫy chào đồng chí, đồng bào. Sau đó, bác và một số đồng chí cùng đi bước lên chiếc xe Uoát do tôi lái. Dọc đường từ nơi máy bay đậu đến trụ sở Ủy ban, rất đông cán bộ và nhân dân ra chào đón bác Ba...
Bác Ba dành thời gian thăm các cơ sở sản xuất trên đảo Ngọc Vừng. Bác ghé thăm cơ sở nuôi trai lấy ngọc, thăm đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo. Đảo Ngọc Vừng khá rộng, đường mấp mô nên tôi phải tập trung điều khiển chiếc xe chạy cho êm nhất, ít phải sử dụng phanh. Dọc đường, Bác hỏi tôi tên gì, quê quán và công việc bảo vệ. Tuy rất hồi hộp nhưng tôi đều trả lời trôi chảy, nhanh nhẹn; bác Ba tỏ ý hài lòng. Hôm ấy, bác Ba dùng bữa trưa cùng với anh em bộ đội trên đảo, trong một nhà bạt dã chiến. Đó là bữa ăn vui vẻ, ấm cúng giữa biển đảo bao la đầy nắng gió và chan hòa tình cảm, mà chúng tôi không thể nào quên.
Càng được gần gũi bác Ba, những người lính cận vệ thấu hiểu: bác là người rất có kinh nghiệm về công tác an ninh nói chung và công tác cảnh vệ nói riêng. Những kinh nghiệm đó được tích lũy từ thời kì bác còn hoạt động bí mật, phải thường xuyên lẩn tránh sự truy lùng của mật thám. Bác nhìn việc, nhìn người rất tinh tường. Trong mỗi chuyến công tác, khi có điều kiện, anh em cảnh vệ lại được bác Ba truyền đạt kinh nghiệm đối phó với địch, để bảo vệ an toàn bản thân và đồng chí, đồng bào. Có lần bác kể: Đầu những năm 1950, bác Ba từ Nam Bộ ra Bắc. Khi bác vào nghỉ tại gia đình một cơ sở bí mật ở Phan Thiết. Mọi việc diễn ra bình thường, nhưng buổi trưa hôm sau, có một cô gái nhìn rất lạ, chơi nhảy dây một mình ở khoảnh sân trước nhà giữa cái nắng chang chang... Bác Ba lệnh cho những người cùng đi lập tức bí mật rời khỏi Phan Thiết, thì ngay sau đó, bọn mật thám ập vào khám xét…
Sau giải phóng miền Nam, có lần bác Ba đi thăm một gia đình trí thức ở bán đảo Thanh Đa - TP Hồ Chí Minh; theo kế hoạch, lúc đi bằng đường bộ, lúc về sẽ đi đường thủy. Khi kết thúc chuyến thăm, mọi người lưu luyến tiễn bác Ba. Ra đến bến sông, bác Ba đứng lại nhìn chiếc ca nô, nhìn người lái, rồi nhìn ra sông; sau đó bác yêu cầu đi về bằng ôtô. Tất nhiên, mọi người nghiêm túc thực hiện lời bác, nhưng ai cũng băn khoăn vì sao bác lại thay đổi kế hoạch. Sau này, bác nói với anh em cận vệ: "Ca nô nhỏ, người thì đông, sông nước mênh mông như vậy mà đang lúc gió to... Nếu có chuyện gì thì làm sao các chú xử lí được?". Đây là một bài học rất thấm thía với anh em cảnh vệ.
Tại lễ khánh thành đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (xây dựng trên hòn đảo mang tên ông tại hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chúng tôi cùng những người lính cận vệ năm xưa đã kính cẩn thắp nén hương thơm tưởng nhớ vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, mà tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với ý chí thống nhất đất nước, độc lập và tự chủ của dân tộc Việt Nam.