Trên 10 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng sinh kế do COVID-19

20:28 21/04/2020
Ngày 21/4, Tổ chức Lao động quốc tế công bố báo cáo báo cáo nhanh về tác động của COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam, phân tích tác động theo lĩnh vực kinh tế và ước tính quy mô việc làm bị ảnh hưởng.


Với hai kịch bản tác động được xây dựng, ILO ước tính đến cuối quý II, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động, do giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả.

Lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế do họ phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.

Mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng. Khó có thể dự đoán được diễn biến của cú sốc do dịch bệnh COVID-19 gây ra bằng cách so sánh với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ do tính chất khủng hoảng này chưa từng có tiền lệ.

Các quốc gia đều cảm thấy mình đang đứng trong một tình thế chưa bao giờ gặp phải, vừa áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để kiểm soát dịch bệnh vừa tự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm vốn có và kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia khác.

Khi ILO thực hiện báo cáo nhanh này, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương cũng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ.

Động thái này sẽ giảm nhẹ đôi chút tác động kinh tế từ kênh trực tiếp. Tuy nhiên, trong khi đó các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống COVID-19.

Một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4. Khó có thể dự báo được khi nào tác động kinh tế từ kênh gián tiếp sẽ được giảm nhẹ.

Trong trung hạn, ngay cả khi Việt Nam cần lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế.

IMF đã dự báo hơn 170 quốc gia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 và sẽ được khôi phục phần nào trong năm 2021. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đều đang hành động quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế.

Ở Việt Nam, Chính phủ đang đưa ra một loạt các giải pháp tiền tệ và tài khóa để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ thu nhập trong ngắn hạn. Các đề án để thúc đẩy khôi phục kinh tế trong trung hạn và dài hạn cũng đang định hình.

Khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm sang giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng theo cách quyết liệt như trên mặt trận y tế.

Nhiệm vụ này mang phạm vi rất rộng, nên cần phải có sự đồng bộ về giải pháp chính sách, bao gồm: các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập trong những tháng tới; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và đưa ra giải pháp dựa vào đối thoại xã hội.

Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến COVID-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ, và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cách tiếp cận đó cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động.

Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện.

Quang Minh

Ngày 31/3, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” tại khu Quan Nghè, xóm Trại, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình.

Ngày 31/3, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Long Xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến đoạn video quay lại cảnh nhóm học sinh nữ của một trường tiểu học đang hút thuốc lá trong khuôn viên trường.

Sáng 31/3, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Trần Minh Có (SN 1995, trú tại khóm Vĩnh Phú, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Chiều tối 30/3 (giờ Việt Nam), một tên lửa được phóng từ Trung tâm vũ trụ Andoya ở miền Bắc Na Uy đã rơi và phát nổ ngay sau khi cất cánh. Trước đó, châu Âu rất kỳ vọng sẽ phóng thành công tên lửa lên quỹ đạo để giảm dần phụ thuộc vào các công ty Mỹ như SpaceX hay Rocket Lab.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là những rủi ro tiềm ẩn, như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng, lựa chọn đơn vị uy tín. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.