Đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Thích Thanh Quyết:

Vật chất tuy còn những khó khăn, nhưng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo

22:45 03/11/2013
Quan tâm tình hình tội phạm, nhất là những vấn đề thuộc căn nguyên đạo đức xã hội làm nảy sinh tội phạm và từng có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, đại biểu - Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, ông theo dõi kỹ báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Trần Đại Quang thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội.
>> Kiềm chế gia tăng của tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự
>> Đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực của lực lượng Công an giữ bình yên cuộc sống

Đại biểu Thích Thanh Quyết cho biết, báo cáo đã nêu rõ tình hình, diễn biến, các nguyên nhân làm phát sinh tội phạm cũng như chỉ ra những giải pháp phòng ngừa song “so với kết quả thực tế, tôi thấy báo cáo còn khiêm tốn chứ thực ra lực lượng Công an còn làm được hơn vậy rất nhiều”...

- Về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Trần Đại Quang thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Thượng tọa đã nghiên cứu ra sao?

Báo cáo đã đánh giá rõ diễn biến, tình hình tội phạm, những nguyên nhân nảy sinh tội phạm cũng như đề ra các giải pháp phòng chống. Thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội, lực lượng Công an đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế sự gia tăng một số loại tội phạm, đấu tranh khám phá án đạt tỷ lệ cao và đã ngăn chặn, khống chế các âm mưu, ý đồ hòng kích động, gây rối trật tự. Những đánh giá trong báo cáo, tôi cho là còn khiêm tốn chứ thực chất công lao của lực lượng Công an còn hơn thế rất nhiều, các lực lượng Công an làm được hơn thế nhiều...

- Báo cáo cũng đã điểm một số vụ án tham nhũng lớn đang được điều tra, làm rõ, trong đó một số vụ tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, từng làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc điều tra, khám phá các vụ án tham nhũng đó?

Những vụ án như vậy chỉ lực lượng Công an mới khám phá được. Vụ án tham nhũng càng lớn, tính chất tinh vi, phức tạp càng cao, lại được “bao bọc” bởi nhiều yếu tố. Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao. Cho nên khi tung vào làm những vụ án đó, các đồng chí đã khám phá rất nhanh, phát hiện nhanh nhạy, điều tra, làm rõ được hành vi phạm pháp của từng đối tượng. Đó là thành quả rất lớn của ngành Công an.

- Từng đi công tác tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Thượng tọa đánh giá gì tình hình an ninh ở Việt Nam?

Tôi đã đi nhiều nước, kể cả những nước lớn trong và ngoài khu vực châu Á, tôi thấy tình hình an ninh, chính trị ở ta rất ổn định, an toàn. Rõ ràng, đời sống kinh tế, vật chất của ta còn những khó khăn nhưng an ninh quốc gia đảm bảo, chính trị ổn định, ngay người nước ngoài đến Việt Nam cũng vậy, họ rất yên tâm, không phải lo ngại việc này, việc kia. Đây là nền tảng hết sức quan trọng.

- Đời sống chính trị, an ninh ổn định nhưng nhiều thế lực bên ngoài luôn tìm cách vu cáo chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đưa ra các luận điệu gây chia rẽ giữa các tôn giáo, dân tộc. Với cái nhìn khách quan trên cương vị chức sắc tôn giáo, Thượng tọa suy nghĩ gì về điều này?

Trên thực tế, chính những kẻ tung ra các luận điệu bịa đặt, vu khống đó mới vi phạm dân chủ, nhân quyền nhất. Cái dân chủ, nhân quyền của Việt Nam phù hợp hoàn cảnh văn hóa, lễ nghi tôn giáo của người Việt Nam, họ không hiểu được hoặc cố tình không hiểu rồi cứ nhìn từ góc nọ sang góc kia. Tôi là người chức sắc tôn giáo, tôi tham gia nhiều hội nghị, hội thảo của các tổ chức tôn giáo trên thế giới, tôi thấy rõ ràng những vấn đề Nhà nước mình tôn trọng, chăm lo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân vẫn đứng hàng đầu.

Cùng việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, cán bộ, chiến sĩ Công an còn giúp nhân dân bằng những việc làm ý nghĩa.

- Thưa Thượng tọa, trước những vụ án gây rúng động dư luận gần đây như bác sĩ phi tang xác bệnh nhân xuống sông, rồi những vụ giết người, cướp của có tính chất man rợ, dư luận nói nhiều đến đạo đức con người. Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Thượng tọa cũng có đề cập vấn đề đạo làm người trong xã hội hiện đại, vậy chúng ta cần giác ngộ điều này như thế nào?

Làm cái gì, vị trí gì, trước hết phải làm người mà làm người, xưa nay cha ông ta thường dạy phải có đức trung, đức hiếu, đức nghĩa. Đức trung với nước, đức hiếu với cha mẹ và đức nghĩa với nhân dân. Đó là đức mà cha ông thường dạy, khi con người ta thấm được những đức ấy thì trở thành những người tốt. Còn nếu bỏ những đức ấy tất mất gốc. Trước kia, các cụ nhà ta dạy ba, bốn đức, thậm chí con trẻ mới hơi biết nói đã đọc những câu ấy lên rồi, cho nên thấm từ bé những tư tưởng rất đạo đức, rất triết học của dân tộc. Cái đấy, nằm ở đạo, gọi là đạo Mẫu làm người, đạo của dân tộc.

Hiện nay trong xã hội, và thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cũng rất bức xúc, truy nguyên nguồn gốc nảy sinh những hành vi, nào là ngành y tế, nào ngành giáo dục, rồi văn hóa, kinh tế... Tức ngành nào cũng có chuyện này, chuyện kia mà thực ra là động đâu bung đấy. Cho nên bây giờ chúng ta phải tìm nguồn, kiểm tra lại tổng thể đạo đức của con người để ta biết được đang cần gì, ta bắt đầu bước đi từ đâu, xử lý đến từng giai đoạn nào, lúc ấy mới giải quyết được căn nguyên, cái mà các đại biểu nói là đạo đức xã hội xuống cấp. Tôi nhìn nhận góc độ xã hội và tâm tư của nhân dân, tâm tư các đại biểu, thấy rất trăn trở điều này.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): Công an Hà Nội phát hiện xử lý các vụ án tham nhũng rất hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, năm 2013, công tác tấn công tội phạm đã thu được những thành tích đáng kể, đáng chú ý là nhiều loại tội phạm đã giảm, tỷ lệ khám phá án, đặc biệt là trọng án đạt rất cao.

Trước diễn biến phức tạp một số loại tội phạm, đại biểu nói: “Ngành Công an đang căng mình ra phòng, chống tội phạm, chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất lớn của các đồng chí, trong điều kiện đời sống rất khó khăn, nhiều anh em rất gian khổ nhưng vẫn căng mình ra giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối mặt với rất nhiều hiểm nguy...”.

Ông đánh giá một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... có thành tích rất tốt trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đã xây dựng, thực hiện rất hiệu quả những mô hình mới, đáng chú ý như việc lập tổ công tác 141, đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phạm pháp hình sự từ công tác này.

Về phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền khẳng định: “Tôi đi giám sát nhiều địa phương thấy, Công an TP Hà Nội phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất hiệu quả. Tôi đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, biểu dương, khen ngợi kịp thời các điển hình tốt như thế để công tác chung tốt hơn...”.

Đại biểu Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng): Đề nghị bổ sung nội dung phòng, chống tội phạm về tham nhũng vào Nghị quyết

Đại biểu Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng) đánh giá: Báo cáo phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an trình bày cho thấy việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

Theo ông, trong năm 2013, điểm nổi bật là công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Bộ Công an và các cơ quan tư pháp vào cuộc quyết liệt nên tình hình tham nhũng có chiều hướng giảm đáng kể, công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm chú trọng. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tham nhũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức; nhiều vụ việc tham nhũng đã được đưa ra xét xử.

Việc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng đã củng cố niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, một số việc cần tiếp tục được tăng cường như việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chưa kịp thời, các văn bản được ban hành vẫn còn chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức, chưa sát với thực tế. Việc phòng ngừa tham nhũng chưa có giải pháp cụ thể, vấn đề trốn thuế, gian lận thương mại…

Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung về công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng vào Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2014.

Đăng Trường (thực hiện)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文