Vì lợi ích trăm năm trồng người, muôn việc đều vì dân
Nghị quyết nêu rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất… Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”… Trên tinh thần đó, Ðại Hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người".
Sự ghi nhận, tôn vinh của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho những đóng góp của Người với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Cuộc đời của Hồ Chí Minh, xuyên suốt và nhất quán là hoạt động giải phóng con người, vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội loài người. Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, nổi bật với “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Versailles năm 1919; từ “Chính cương, sách lược vắn tắt” tới “Tuyên ngôn Độc lập”… và đặc biệt là “Di chúc”, đều toát lên tư tưởng đặt con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì con người. Sau Cách mạng Tháng Tám, giữa những ngày nước sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới nhân dân một thông điệp thể hiện khát vọng của cả một dân tộc khi đó: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong bản Di chúc lịch sử, sau phần mở đầu, tới phần căn dặn thế hệ mai sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “ĐẦU TIÊN LÀ CÔNG VIÊC ĐỐI VỚI CON NGƯỜI”. Với góc nhìn biện chứng và nhân văn sâu sắc, Bác đã căn dặn những việc phải thực hiện với người đang sống và với cả người đã khuất: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”… Người cũng căn dặn, điều mà hiện nay được gọi là thực hiện chính sách với người có công: “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và tri ân tầng lớp luôn luôn chịu nhiều gian khổ, hi sinh trong mọi xã hội, đó là nông dân. Vì lẽ đó, Người đã đề nghị: “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới đòi hỏi phải có những quyết sách để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện mục tiêu đó, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thấm nhuần và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về con người để cụ thể hóa trong mọi chủ trương, chính sách; vừa phải xuất phát từ lợi ích nhân dân, vừa giải phóng được năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân để cộng hưởng thành nguồn sức mạnh đưa đất nước ta phát triển bền vững