Xẻ dọc Trường Sơn, chi viện cho lực lượng An ninh miền Nam
Tiếp nhận sự chi viện, an ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đủ sức đương đầu và đánh bại các cơ quan tình báo, gián điệp, bình định của Mỹ-ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu năm 1955, Bộ Công an thành lập “Tổ cán bộ miền Nam” trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ, đến năm 1957, tổ này đổi thành “Bộ phận cán bộ miền Nam” thuộc Vụ Tổ chức cán bộ chuyên lo công tác chi viện.
Cán bộ, chiến sỹ An ninh T4 dựng nhà làm việc cho Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn tại căn cứ Phú Mỹ Hưng, Củ Chi năm 1973. Ảnh tư liệu. |
Để tạo nguồn cán bộ chi viện tại Hội nghị Tổ chức cán bộ Bộ Công an lần thứ nhất (từ ngày 27/2 đến 9/3/1957), ngoài chủ trương “Đối với cán bộ miền Nam đang công tác chú ý sử dụng công tác trước mắt, đồng thời có hướng đào tạo lâu dài và lấy cán bộ Công an cũ, tốt ở miền Nam hiện ở các ngành về Công an”, Bộ Công an còn chủ trương tăng thêm cơ cấu cấp phó cho Công an các đơn vị, địa phương để đào tạo; mở trường đào tạo cán bộ An ninh là con em miền Nam, vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghiệp vụ; gửi một số cán bộ Công an đi đào tạo ở Liên Xô gồm các đồng chí như: Đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Học (Sáu Học), Cao Đức Hoàn (Tư Hoàn), Phạm Minh Điện (Mười Quang)…; đồng thời đề nghị Chính phủ cho tuyển sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội ở miền Nam tập kết ra Bắc, đưa đi đào tạo nghiệp vụ Công an rồi điều về Công an các đơn vị, địa phương công tác để tích lũy kinh nghiệm sẵn sàng chi viện.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Công an đã chuẩn bị 1.726 đồng chí cán bộ Công an tập kết, cùng với lực lượng sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ chi viện. Thời điểm tháng 2/1958, lực lượng Công an miền Bắc chi viện cho miền Nam chiếm tỷ lệ trên 25% quân số. Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”; “tất cả vì giải phóng miền Nam”, “vì thống nhất đất nước” nên đã huy động hàng vạn cán bộ Công an các đơn vị, địa phương chi viện cho chiến trường.
Bên cạnh việc quán triệt đường lối cách mạng của Đảng, Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an chủ động công tác chi viện, một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời kỳ bấy giờ chính là chi viện cán bộ để hình thành hệ thống tổ chức và xây dựng lực lượng An ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh.
Công tác chi viện An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tiến hành qua 5 giai đoạn, từ tháng 7 năm 1954 đến 30/4/1975.
Từ chi viện lúc đầu chỉ có 5 cán bộ, về sau chi viện cán bộ với số lượng ngày càng lớn, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, công tác chi viện luôn gắn với thời điểm phục vụ chủ trương chiến lược của Đảng.
Điển hình như: Giai đoạn kiềm chế và đánh thắng địch trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” - giai đoạn 1961-1964, chi viện 769 đồng chí; giai đoạn 1965-1968, đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ”, phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chi viện 2.289 đồng chí; giai đoạn 1969 đến 1/1973, chi viện 2.157 đồng chí; giai đoạn 2/1973 đến 29/4/1975, phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, chi viện 6.044 đồng chí.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1961-1964, cần hình thành bộ khung hệ thống tổ chức An ninh miền Nam từ Trung ương Cục đến An ninh khu, tỉnh và huyện nên Bộ Công an chọn nhiều cán bộ có trình độ và sức khỏe thuộc các lực lượng nghiệp vụ, tham mưu, chính trị, hậu cần, thông tin cơ yếu chi viện để cùng lực lượng An ninh tại chỗ thành lập bộ khung hệ thống tổ chức An ninh miền Nam.
Sau Quân đội, lực lượng CAND trở thành lực lượng chi viện sớm nhất, nhiều nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường.
Cán bộ Công an chi viện An ninh miền Nam có mặt ở hầu khắp các chiến trường ở cả 3 vùng chiến lược, kể cả những nơi khó khăn, ác liệt nhất, đã lăn lộn với phong trào, gắn bó với nhân dân địa phương, đoàn kết với cán bộ tại chỗ, phát huy tác dụng nhiều mặt cả về chính trị, nghiệp vụ, vũ trang. Cán bộ chi viện đã cùng cán bộ tại chỗ đồng cam, cộng khổ, chịu đựng gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiều cán bộ chi viện đã được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở hầu hết các cấp an ninh từ Ban An ninh Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, nhiều đồng chí có thành tích đặc biệt hoặc lập chiến công lớn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 909 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường.
Đối chọi với sự chuẩn bị hùng hậu về phương tiện, vũ khí, hậu cần của lực lượng Tình báo, Cảnh sát Mỹ-ngụy, dưới sự chỉ đạo mọi mặt của cấp ủy Đảng, lực lượng An ninh miền Nam đã phát huy hậu cần tại chỗ, sản xuất tự túc lương thực, dựa vào dân, được nhân dân đùm bọc, che chở.
Khi ấy, nguồn vũ khí của các lực lượng cách mạng miền Nam được chôn giấu khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 không cao; đánh địch cướp vũ khí để tự trang bị còn phụ thuộc nhiều điều kiện nên chủ yếu dựa vào vũ khí, phương tiện kỹ thuật Công an miền Bắc chi viện.
Quá trình tổ chức chi viện về vũ khí, phương tiện vật chất kỹ thuật cho An ninh miền Nam là quá trình chi viện từ ít đến nhiều, từ mang vác trên vai từng ki-lô-gam theo cán bộ chi viện vào chiến trường là chủ yếu đến sử dụng các phương tiện cơ giới chuyên chở hàng trăm tấn thiết bị, vũ khí, phương tiện nghiệp vụ chuyên ngành, giúp An ninh miền Nam có đủ trang bị cần thiết phục vụ chiến đấu.
Để có được nguồn hàng chi viện, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ đã huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài lực lượng CAND, cả trong nước và quốc tế. Phong trào cách mạng phát triển, chiến trường yêu cầu chi viện càng lớn thì số lượng vũ khí, phương tiện kỹ thuật được chi viện ngày một tăng theo kịp đà phát triển của chiến trường.
Giai đoạn 1965-1968, chi viện hàng chục tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng cho Ban an ninh Trung ương Cục và An ninh các khu, kịp thời đáp ứng yêu cầu về vũ khí, kỹ thuật chuyên dùng cho An ninh miền Nam tham gia Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.
Giai đoạn 1969-1972, đã chi viện 30 tấn hàng. Riêng về phương tiện thông tin liên lạc, Bộ Công an đã chi viện 130 bộ điện đài các loại, 19 máy sửa chữa vô tuyến điện. Giai đoạn 1973-1974, số lượng hàng chi viện tăng lên 450 tấn, trong đó có trang thiết bị của một bệnh viện quy mô 100 giường với khoảng 20 tấn tân dược các loại...
Có thể khẳng định rằng, trong điều kiện chiến tranh, chiến trường bị chia cắt, luôn biến động, việc chi viện vũ khí, phương tiện kỹ thuật, hậu cần liên tục, ngày một tăng cho An ninh miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành một nhân tố quan trọng, không thể thiếu.
Chi viện đã làm tăng sức mạnh chiến đấu cho An ninh miền Nam trở thành một lực lượng vũ trang chiến đấu có tổ chức chặt chẽ, có sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần vào giải phóng đất nước.