Hội nghị các nhà báo thế giới 2015 tại Hàn Quốc:

An toàn cho nhà báo trong thế giới biến động

08:27 16/04/2015
“Các nhà báo thường bị những tổ chức tội phạm, những nhóm lợi ích, các tổ chức cực đoan… tấn công vì bị cho là đã can thiệp và làm ảnh hưởng không tốt đến công việc kinh doanh hoặc hoạt động của họ. Do đó, cách bảo vệ các nhà báo tốt nhất là trang bị cho họ một kiến thức nền về pháp luật; những quy định chặt chẽ từ chính phủ, các tổ chức, hiệp hội báo chí về hoạt động tác nghiệp của các nhà báo”, chuyên gia phân tích và quản lý báo chí trong nước thuộc Văn phòng thông tin chính phủ của Ethiopia Fikrte Gebreamlak Sisay nói.

Trong khuôn khổ Hội nghị các nhà báo thế giới 2015 được tổ chức tại Hàn Quốc, ngày 15/4, các nhà báo đã cùng thảo luận về vấn đề tự do báo chí và bảo đảm an toàn cho các nhà báo.

Đây là lần đầu tiên Liên đoàn các nhà báo quốc tế bàn về vấn đề pháp lý bảo vệ các nhà báo kể từ sau khi xảy ra vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo của Pháp.

Nhà báo Harold Hyman đến từ đài BFMTV của Pháp cho biết: “Tự do báo chí và tự do bày tỏ quan điểm là hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm của nhà báo là đưa tin một cách khách quan, không phân biệt đối xử giới tính, tôn giáo, dân tộc và đặc biệt là không được đưa tin mang tính chất miệt thị hoặc châm biếm, xúc phạm bởi nó sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường. Vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo là một bài học lớn cho giới truyền thông quốc tế”.

Đồng quan điểm này, nữ nhà báo Karla Lorena Lopez Ferrof đến từ Mexico khẳng định: “Trong báo chí hiện đại, việc thông tin một chiều là điều không thể chấp nhận được”.

Bà cho biết thêm, tại những nơi xảy ra chiến tranh hoặc xung đột như Ukraine, Libya, Afghanistan, Colombia, Ai Cập, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Mexico, phóng viên khi tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro.

Như ở Mexico chẳng hạn, rất nhiều phóng viên bị các tổ chức tội phạm lớn đe dọa. Đã có rất nhiều đồng nghiệp của bà bị bắt cóc, thậm chí bị sát hại chỉ vì những thông tin họ đưa ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức này. Vì vậy, tại những quốc gia có biến động như vậy, chính phủ cần phải có những luật định riêng để bảo vệ các nhà báo.

Bà Karla Lorena Lopez Ferrof nói: “Bên cạnh việc được bảo vệ bằng pháp lý, chúng tôi cũng rất mong muốn được nhận sự ủng hộ và tin tưởng của người dân”…

Các diễn giả của Hội thảo đưa ra nhiều quan điểm, ý tưởng và phương cách để bảo vệ các nhà báo.

Nhận định về sự gia tăng các hoạt động chống phá, đe dọa và sát hại các nhà báo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, các nhà báo đến từ Hàn Quốc, Mexico, Argentina, Ethiopia đều cho rằng, đã đến lúc các tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế phải vào cuộc, bàn thảo cùng với chính quyền các khu vực, quốc gia về những quy định riêng trong việc hỗ trợ và bảo vệ các nhà báo đưa tin tại những khu vực nguy hiểm.

Các nhà báo điều tra, phóng viên chiến trường cần được pháp luật bảo vệ vì họ làm việc vì lợi ích công. Họ cần được sự hỗ trợ bài bản từ nhà nước, từ ban biên tập, được đầu tư nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo sự chính xác, khách quan trong các bài báo, tránh những sai sót đáng tiếc.

Chuyên gia phân tích và giám sát báo chí trong nước thuộc Văn phòng thông tin chính phủ của Ethiopia Fikrte Gebreamlak Sisay bày tỏ: “Trước khi bàn về cách thức bảo vệ các nhà báo, chúng ta cần phải tìm hiểu xem điều gì đã khiến các nhà báo trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhìn chung, họ thường bị các tổ chức tội phạm, những nhóm lợi ích, các tổ chức cực đoan… tấn công vì bị cho là đã “can thiệp và làm ảnh hưởng không tốt đến công việc kinh doanh hoặc hoạt động của các tổ chức này”.

Do đó, cách bảo vệ các nhà báo tốt nhất, theo bà Fikrte Gebreamlak Sisay, trước tiên là trang bị cho họ một kiến thức nền về pháp luật; thứ nữa là những quy định chặt chẽ từ chính phủ, các tổ chức, hiệp hội báo chí về hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.

Được biết, vào hồi tháng 2 vừa qua, tổ chức Bảo vệ tự do báo chí cũng đã công bố những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột.

Mang tên “Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu”, tài liệu này đề ra bảy tiêu chuẩn cơ bản dành cho các nhà báo tới tác nghiệp ở những vùng xung đột nguy hiểm.

Bản hướng dẫn kêu gọi tập huấn cứu thương và hoạt động trong vùng nguy hiểm, mua bảo hiểm y tế, trang bị các thiết bị bảo hộ như áo giáp và mũ chống đạn.

Các hãng thông tấn phải đảm bảo cộng tác viên của mình tham gia các khóa đào tạo cơ bản và được trang bị những thiết bị như trên.

Bản hướng dẫn cho rằng các hãng thông tấn và báo chí phải có “nghĩa vụ đạo đức” là hỗ trợ tối đa các nhà báo làm việc trong những vùng nguy hiểm.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc Park Chong-Ryul nói: “Vai trò quan trọng của báo chí quốc tế không những trong việc cung cấp thông tin mà còn là cầu nối giúp xử lý những bất đồng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta cần làm ngay việc bảo vệ các nhà báo để tạo ra một môi trường báo chí công bằng, hiện đại, trung thực và an toàn trên toàn thế giới”.

Báo cáo từ Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, năm 2014 có 119 vụ bắt cóc nhà báo và 66 phóng viên đã thiệt mạng. 

Các qui định pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ nhà báo, nghề báo được hình thành từ lâu qua các thông lệ và được ghi nhận trong Hiệp ước Hague (1899) và Công ước Geneva (1929) đối xử với tù binh chiến tranh trong đó có nhà báo.

Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, điều 19 viết: “Tất cả mọi người đều có quyền có ý kiến và bày tỏ ý kiến gồm các quyền tự do có ý kiến mà không bị can thiệp; tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng qua bất cứ phương tiện thông tin và qua bất kỳ biên giới quốc gia nào”.

Bản tuyên ngôn là nguồn cơ bản và cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các văn kiện, tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô thế giới, ở các khu vực hiến pháp, luật pháp của các quốc gia.

Trên tinh thần của tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được soạn thảo và ban hành, trong đó có Công uớc quốc tế về quyền dân sự và chính trị (điều 19) được hơn 140 quốc gia trên thế giới ký kết.

Tại Việt Nam, quyền tự do thông tin đã được thể chế hóa và đưa thông tin trong những văn bản mang tính chất pháp lý cao nhất (Hiến pháp) và văn bản luật thành văn (Luật báo chí).

Luật Báo chí Việt Nam cũng khẳng định quyền của nhà báo được thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích đất nước và của nhân dân, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp.
Huyền Chi

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文