ASEAN quan tâm đến những đề xuất của Việt Nam về phục hồi bền vững

08:03 29/10/2021

"Những đề xuất của Việt Nam liên quan tới phục hồi bền vững nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước tại các hội nghị", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam chia sẻ.

Chiều 28/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

PV: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan, hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vừa kết thúc. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả của các hội nghị lần này? ASEAN đã xử lý các thách thức và những vấn đề đặt ra đối với Hiệp hội như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Có thể khẳng định, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp. Các hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ASEAN đang đối diện với rất nhiều khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời về Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, 39 -0
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Tại các nước ASEAN, dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, nội trị các nước thành viên có những bất ổn. Bên ngoài, cạnh tranh nước lớn diễn ra sâu rộng, phức tạp và trực tiếp ảnh hưởng tới vai trò, hình ảnh và các hoạt động của ASEAN. Với những thách thức này, việc ASEAN tổ chức được các hội nghị lần này với sự tham gia của tất cả lãnh đạo các nước đối tác là câu trả lời của Hiệp hội với những thách thức từ bên trong và bên ngoài cũng như là lời khẳng định tinh thần và giá trị của ASEAN, đó là lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ hướng tới hòa bình và ổn định.

Kết quả của các hội nghị còn cho thấy những vấn đề hiện đang đặt ra cho ASEAN như hợp tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi bền vững, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới và các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông là những nội dung ASEAN và các nước đối tác đang hết sức quan tâm và mong muốn được tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Các hội nghị đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, ASEAN đoàn kết, nhất trí hướng tới xây dựng Cộng đồng. Đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực tiếp tục là mục tiêu chung của ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng.

Thứ hai, các đối tác bên ngoài vẫn đặc biệt coi trọng ASEAN, cam kết cùng ASEAN hợp tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, đồng thời cũng cho thấy phục hồi bền vững vẫn là nội dung được hầu hết các nước đặt ưu tiên, phấn đấu đạt được trong thời gian tới đây.

Thứ ba, những nội dung ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực như Biển Đông, Mi-an-ma, Triều Tiên, thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục được đề cập sâu rộng và trao đổi sôi nổi các hội nghị.

Theo đó, tất cả các nước đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ minh bạch về các bước đi của mình với khu vực và khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung, thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này. Bên cạnh đó, các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử minh bạch, quan hệ hài hòa là cơ sở cho quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngay từ trong các bước chuẩn bị, Việt Nam xác định sẽ tham gia các hội nghị lần này trên tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Với tinh thần này, Việt Nam đã tham gia trao đổi, chia sẻ trên tất cả các nội dung của các hội nghị. Nhiều ý kiến của Việt Nam được các nước ghi nhận, ủng hộ và hướng ứng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã đóng góp hết sức trách nhiệm vào việc xây dựng khoảng 100 văn kiện đệ trình lên các nhà lãnh đạo thông qua, ghi nhận.

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội đã được các nước hoan nghênh, hưởng ứng. Những đề xuất của Việt Nam liên quan tới phục hồi bền vững nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước tại các hội nghị.

Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị.

Nhìn chung, bên cạnh những thành công chung của các hội nghị, đóng góp của Việt Nam tiếp tục được duy trì, thúc đẩy, qua đó, hình ảnh và vai trò của Việt Nam tiếp tục được khẳng định.

B.S

Tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Cho muôn đời sau”. Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cùng đông đảo khán giả yêu âm nhạc.

Liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long do dông lốc bất ngờ khiến nhiều người thiệt mạng vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định đây là trường hợp hy hữu, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông, cộng đồng chia sẻ để ngành Du lịch tiếp tục vực dậy sau đại dịch COVID-19.

Chiều 24/7, tại xóm Bản Đồn, xã Tân Kỳ, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công an phối hợp Tỉnh uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công "điểm" thực hiện Đề án của UBND tỉnh về "Xây dựng 1.000 căn nhà cho nhân dân thực hiện mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập tỉnh từ nguồn kinh phí đề nghị Bộ Công an hỗ trợ".

Chiều 24/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục xét hỏi các bị cáo từng là cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam do bị cáo Đồng Xuân Thụ là cựu Tổng Biên tập. Được biết, trước khi gây ra vụ án này, tháng 10/1997, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với Đồng Xuân Thụ về hành vi giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.

Hai bên thống nhất tăng cường hợp tác, đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và chuyên viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực thực thi pháp luật như bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm công nghệ cao, ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, rửa tiền và các loại tội phạm khác.

Bão số 4 đã mạnh lên cấp 10 và đến thời điểm hiện tại, hướng di chuyển của bão hầu như không có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương đang có 3 cơn bão cùng hoạt động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.