Bắc Bộ phủ - biểu trưng của tinh thần cách mạng quật cường
Trên con phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một toà nhà với kiến trúc Pháp cổ rất độc đáo. Đó là Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ, nơi diễn ra nhiều sự kiện lễ tân đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao. Nhưng với mỗi người dân Hà Nội, địa chỉ Nhà khách Chính phủ số 12 Ngô Quyền không chỉ là một công trình có kiến trúc đẹp, bề thế, mà nơi đây còn là di tích lịch sử, niềm tự hào gắn liền với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945) của nhân dân Thủ đô.
Toà nhà Bắc Bộ phủ được xây dựng vào năm 1918, trên phần đất của chùa Báo Ân xưa, là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu. Tòa nhà đã trải qua bề dày lịch sử chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc và là nơi làm việc của Bác Hồ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiến, với tên gọi Bắc Bộ phủ. Thời thuộc Pháp, tòa nhà này là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), tòa nhà được đổi thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Trong ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, sau cuộc mít tinh lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người dân Thủ đô, lực lượng Việt Minh đã kéo đến chiếm Phủ Khâm sai - tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân và phong kiến một thời đã thuộc về chính quyền cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Kết thúc chiến tranh Đông Dương (1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành một bộ phận Nhà khách của Phủ Chủ tịch, do Phòng chiêu đãi, Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao điều hành. Từ năm 1981 đến nay, Nhà khách Chính phủ là đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ Ngoại giao. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, năm 2005, Bắc Bộ phủ được UBND TP Hà Nội gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.
Nhìn bề ngoài, Bắc Bộ phủ vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc như khi mới xây dựng. Dẫn chúng tôi đi tham quan toà nhà, Giám đốc Nhà khách Chính phủ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ những kiến thức lịch sử kiến trúc của toà nhà. Dinh Thống sứ Bắc Kỳ ban đầu được dự định nằm trong quần thể kiến trúc trục vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay), đặt vuông góc với hồ Hoàn Kiếm, bao gồm toà Đốc Lý, Kho bạc, Bưu điện, Dinh Thống sứ …
Tuy nhiên ý tưởng này không được thực hiện. Tới những năm đầu thế kỷ XX, vị trí chính thức của Dinh Thống sứ được quyết định nằm ở vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch), nhìn ra một Vườn hoa nhỏ cũng mang tên Chavasieux, nhưng người dân đương thời thường gọi là vườn hoa Con cóc do ở giữa vườn có một bể nước với những hình con cóc phun nước lên cụm điêu khắc nằm giữa bể. Toà nhà gồm 3 tầng: tầng hầm chủ yếu là nhà kho, một số phòng phục vụ và phòng lưu trữ giấy tờ hành chính; tầng 1 có phòng khách lớn dùng làm nơi tiếp tân, các phòng khách nhỏ, phòng ăn, các phòng làm việc và phòng đợi, ngoài ra còn có phòng ăn, phòng chơi bi – a, phòng hút thuốc; tầng 2 có phòng họp Hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi.
Mặt bằng công trình theo hình chữ nhật, các phòng chính được bố trí đối xứng có hành lang bao quanh, phía sau là các phòng phục vụ và khu vệ sinh chung. Đảm trách giao thông theo phương đứng là một cầu thang đại hội ngay chính giữa nhà, ngoài ra còn có cầu thang phục vụ cạnh thang chính và hai cầu thang phụ ở góc phía sau nhà. Nội thất các phòng được trang trí cầu kỳ và lộng lẫy theo tinh thần cổ điển châu Âu nhưng đưa vào một số họa tiết trang trí kiểu Việt Nam, rõ nhất là cách xử lý mặt sàn mosaïque bằng đá màu theo kiểu Italy nhưng mang chủ đề mỹ thuật Việt.
Ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, hiện nay, đã có dự án tu bổ, cải tạo toà nhà. “Chúng tôi dự định, sẽ dành riêng một không gian để làm phòng truyền thống, với những hiện vật lịch sử và tư liệu sưu tập được. Đối với toà nhà này, khi làm dự án tu sửa, cá nhân tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề. Chúng tôi đã mời những nhà sử học đầu ngành, kiến trúc sư đầu ngành đến để tham khảo ý kiến. Không chỉ với cá nhân tôi mà với mỗi người dân Hà Nội, từng viên gạch, từng chi tiết còn lại từ khi toà nhà mới được xây dựng đều mang những giá trị lịch sử, chứng nhân những thời khắc đặc biệt hào hùng cuả Thủ đô cần được giữ gìn”.
Bước ra sảnh lên phía sau toà nhà, ông Nguyễn Thanh Sơn lật tấm thảm đỏ. Trước mắt chúng tôi hiện lên một bức phù điêu rồng tinh tế được ghép từ những mảnh sành nhỏ. “Bức phù điêu còn nguyên vẹn, lò sưởi cùng với những miếng ốp đồng ở hai bên cầu thang xoắn là những chi tiết còn tồn tại từ năm 1918 đến nay, rất đáng quý về mặt kiến trúc”, Giám đốc Nhà khách Chính phủ Nguyễn Thanh Sơn tự hào nói.
Kể từ mùa thu Cách mạng năm 1945, Bắc Bộ phủ đã đi vào lịch sử như một biểu trưng cho sự vùng lên quật khởi của dân tộc Việt Nam giành và bảo vệ quyền sống trong độc lập, tự do, hòa bình.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, một điều rất thú vị là trên hàng rào sắt trước khuôn viên toà nhà còn một số vết đạn ghim trên các thanh sắt. Những vết đạn này là dấu tích của trận đánh ngày 20/12/1946 giữa đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ Phủ và quân Pháp. Đây là trận đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất trong những ngày đầu của chiến tranh Đông Dương, trở thành một biểu tượng của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, đây là một công trình phải được đặc biệt giữ gìn. “Ngay các biệt thự Pháp cổ chúng ta cũng đang bảo tồn thì toà nhà Bắc Bộ phủ này đẹp cả về kiến trúc, ý nghĩa về lịch sử, điểm đến của khách du lịch khi tham quan Thủ đô càng phải được bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của nó”, PGS.TS Hà Đình Đức nhận định.