Đàm phán hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp
Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 12/4/1973 và từ năm 1989 cho đến nay quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, pháp luật, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, thông tin - truyền thông, giáo dục v.v… góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên những tầm cao mới. Hai nước cũng đã ký và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực pháp luật như Hiệp định về hợp tác pháp luật và tư pháp năm 1993, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự năm 1999…
Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao đến năm 2012, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có khoảng 300.000 người (là cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn thứ 2, sau cộng đồng người Việt ở Mỹ). Hàng năm có khoảng 200.000 lượt khách du lịch Pháp thăm Việt Nam, hiện cũng có khoảng 3000 người Pháp đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, có nhiều đóng góp cho Việt Nam cũng như cho mối quan hệ giữa hai nước. Dự báo tình hình tội phạm xảy ra hoặc người phạm tội trên lãnh thổ nước này chạy trốn sang lãnh thổ nước kia sẽ có xu hướng gia tăng; trong khi đó, hợp tác giữa hai nước về pháp luật nói chung và về tương trợ tư pháp nói riêng mới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dân sự. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, do chưa có cơ sở pháp lý nên việc hợp tác vẫn chủ yếu thực hiện qua các kênh hợp tác Interpol, dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” và kết quả đạt được vẫn còn hạn chế (tính đến nay, ta mới chỉ xử lý 03 hồ sơ đề nghị chuyển giao phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam về Pháp theo nguyên tắc “có đi có lại”). Chính vì vậy, việc đặt vấn đề đàm phán, ký kết Hiệp định về dẫn độ với Cộng hòa Pháp ở thời điểm hiện nay sẽ có vai trò to lớn về mặt chính trị, ngoại giao, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống tội phạm và hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước; đồng thời thể hiện thiện chí của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ “Đối tác chiến lược” giữa hai nước. Đây cũng là một hoạt động thiết thực trong “Năm Pháp-Việt 2014” nhân kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 - 12/4/2013).
Thực hiện sự ủy quyền của Chủ tịch nước và sự phân công của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, từ ngày 01/12/2014 đến ngày 04/12/2014, tại Paris, Cộng hòa Pháp, Bộ Công an (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đàm phán dự thảo Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) và Cộng hòa Pháp (Hiệp định).
Đoàn đàm phán Việt Nam gồm 08 thành viên, do Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn; Đoàn đàm phán của Pháp gồm 04 thành viên đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Pháp, do ông Pierre-Christian Soccoja, Cục trưởng Cục Điều ước quốc tế, các vấn đề dân sự và tương trợ tư pháp, Tổng cục nước Pháp ở hải ngoại và hành chính lãnh sự, Bộ Ngoại giao và phát triển quốc tế làm Trưởng đoàn. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tham gia một số hoạt động chính của Đoàn.
Tại các buổi làm việc, sau các nghi thức ngoại giao, trao đổi thông tin về pháp luật có liên quan của hai quốc gia, hai đoàn tiến hành đàm phán chính thức dự thảo hiệp định trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Việc đàm phán dự thảo hiệp định tiến hành trên cơ sở phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt, Chủ tịch nước đồng ý, bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong cùng lĩnh vực, trong đó, có tham khảo kinh nghiệm đàm phán, tính khả thi và việc hài hoà hoá giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp. Trên cơ sở đó, hai đoàn đã thống nhất về các điều, khoản của dự thảo Hiệp định bao gồm tên gọi, Lời nói đầu và 24 điều, quy định cụ thể về các trường hợp bị dẫn độ, đối tượng, điều kiện dẫn độ, các nguyên tắc về thủ tục, trình tự trong việc thực hiện dẫn độ…
Kết thúc đàm phán, ngày 04/12/2014, hai Trưởng đoàn đã ký Biên bản đàm phán và ký tắt dự thảo hiệp định; đồng thời, khẳng định thống nhất sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của hai nước để hoàn thành việc ký chính thức hiệp định này trong thời gian sớm nhất có thể.