Đề xuất không đặt tên “nửa tây, nửa ta”
Thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sau khi lấy ý kiến nhân dân, nhiều ý kiến đã đề nghị bổ sung nội dung tên và chữ đệm.
Theo Bộ trưởng, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái.
Việc đặt họ, tên và chữ đệm với các quy định mới được lý giải, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị quy định rõ việc đặt tên và chữ đệm trong luật. |
Việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam như quá dài, không thuần Việt mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối. Đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam cũng phải có tên gọi Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định chữ đệm cả thế giới đang áp dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Một số nước thậm chí còn bắt buộc phải lấy tên bố làm tên đệm. Do đó, cần thiết phải có quy định này trong luật, không phải thích đặt thế nào thì đặt, tạo sự tùy tiện, thiếu bản sắc.
Liên quan đến người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, những trường hợp này được coi là người không thuộc công dân nước nào, lại sống ở Việt Nam nên phải đưa vào để quản lý theo luật của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành điểm này và cho rằng, thực tế thời gian qua một số phụ huynh đặt tên cho con quá dài, tới 30 – 40 chữ cái, gây ảnh hưởng đến việc làm hồ sơ sau này. Tuy nhiên, ông đề nghị không nên quy định việc đặt tên với người không quốc tịch.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn văn Giàu ngao ngán: “Xem truyền hình, thấy nhiều ca sĩ mang tên không ra tây, không ra ta trong khi họ có cha mẹ đều là người Việt. Tên không phải là sự đùa cợt” – ông Giàu nói rõ.
Trong khi đó, có ý kiến lại cho rằng không cần thiết phải đặt vấn đề quy định tên và chữ đệm. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, luật không cần phải quy định tên đệm vì từ xưa tới nay khi ghi họ và tên thì đã được hiểu bao gồm cả chữ đệm, không cần phải sửa.
Theo bà, không nên quy định quá cụ thể, cũng không nên quá áp đặt người dân phải đặt tên như thế nào, miễn là việc đó không trái Hiến pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng tán thành quan điểm này, đề nghị không nên thêm quy định chữ đệm khi đặt tên. Nếu thêm vào sẽ phải thay đổi căn cước, thay đổi toàn bộ dữ liệu quốc gia về dân cư và không đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
Cho phép chuyển đổi giới tính?
Về quyền được chuyển đổi giới tính (Điều 36) Bộ luật Dân sự hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến nhân dân thì có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước ta đối với việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Nhà nước ta không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được.
Trên cơ sở ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào Điều 36 dự thảo Bộ luật với hai phương án: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật và phương án Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị tách ra thành hai vấn đề khác nhau thành quyền được xác định lại giới tính và quyền được chuyển đổi giới tính để tránh gây hiểu lầm. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính thường có hai loại: Thứ nhất là rối loạn định dạng giới (đàn ông nhưng lại cứ nghĩ là đàn bà và ngược lại) nên phải chuyển giới lại. Loại chuyển giới thứ hai là do ý thích.