Dự án Luật tạm giữ, tạm giam đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người

06:30 17/06/2015
Ngày 19/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường để cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Để hiểu rõ hơn về dự án Luật quan trọng này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: Nguyễn Hưng.

PV: Đồng chí cho biết, dự án Luật tạm giữ, tạm giam được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo nào?

Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Ngọc Anh: Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội Khoá XIII về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội Khóa XIII và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Dự án Luật tạm giữ, tạm giam là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Dự án Luật vừa phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân mà người bị tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm được tính khả thi trong điều kiện của đất nước.

Dự án Luật tạm giữ, tạm giam trình Quốc hội cho ý kiến gồm có 11 chương, 87 điều, được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hoá chủ trương, quan điểm chỉ đạo Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta; tổng kết đầy đủ và toàn diện các quy định của pháp luật về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong những năm qua, đồng thời kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam hiện nay và trong những năm tiếp theo; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; bảo đảm các quy định của Luật tạm giữ, tạm giam có tính khả thi; khi xây dựng dự thảo Luật đã tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PV: Dự án Luật tạm giữ, tạm giam trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này đã cụ thể hóa những quy định nào của Hiến pháp 2013?

Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Ngọc Anh: Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự do người, cơ quan có thẩm quyền áp dụng nhằm buộc người bị tạm giữ, người bị tạm giam chịu sự quản lý, cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc hành vi gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa phải là người bị coi là có tội và chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Tạm giữ, tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, không phải là hình phạt, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cùng với đó, khoản 2, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định việc giam, giữ người do luật định. Trên cơ sở các quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013, dự án Luật tạm giữ, tạm giam được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân mà người bị tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế. Tuy nhiên dự án Luật cũng đồng thời phải bảo đảm được tính khả thi trong điều kiện thực tế của đất nước ta, để Luật sau khi ban hành được tổ chức thực hiện thuận lợi, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Về nguyên tắc, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Chương II của Hiến pháp năm 2013 nếu không bị hạn chế bởi quy định của Luật tạm giữ, tạm giam và quy định của các luật khác có liên quan, đồng thời người bị tạm giữ, tạm giam chỉ bị hạn chế các quyền được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam.

PV:  Các quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này có những điểm gì mới so với quy định của pháp luật hiện hành, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Ngọc Anh: So với các quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này có những điểm mới như: quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thực hiện chế độ quản lý tạm giữ, tạm giam.

Theo đó, dự thảo Luật đã quy định mang tính nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan (khoản 5, Điều 4 dự thảo Luật) và khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án (khoản 2, Điều 19 và khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật).

Dự thảo Luật đã có các quy định mới về phân loại tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, đồng thời, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian vừa qua. Theo đó, dự thảo Luật quy định không được giam giữ chung người bị tạm giữ với người bị tạm giam; người trong cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử; người chưa thành niên với người đã thành niên; người là nam với người là nữ. Người bị tạm giữ là người chuyển giới, người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định hoặc đang chờ kết quả giám định; người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ đưa đi bắt buộc chữa bệnh, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Dự thảo Luật đã bảo đảm tốt vấn đề bình đẳng giới trong quản lý giam, giữ theo nguyên tắc người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nữ giới có quyền và nghĩa vụ như những người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác như được đảm bảo ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu khác, gặp thân nhân, người khác, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, người bào chữa khác, người đại diện hợp pháp khác theo quy định; được bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi quy định của Luật này và của luật khác có liên quan và trong khi bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ chấp hành chế độ quản lý giam giữ theo quy định của Luật này. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nữ giới có quyền và nghĩa vụ như những người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác. Tuy nhiên, do đặc thù giới tính, có những quy định bảo đảm bình đẳng giới cho phù hợp.

Trong dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam có 12/87 điều (chiếm 13,8%) quy định liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Đồng thời bổ sung những quy định nhằm đảm bảo sự giám sát, kiểm sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam nhằm phòng ngừa có hiệu quả và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý tạm giữ, tạm giam.

PV: Thưa đồng chí, trong quá trình xây dựng dự án Luật, đến nay còn có những vấn đề gì có ý kiến khác nhau?

Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Ngọc Anh: Quá trình xây dựng dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Bộ Công an đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân (dự thảo Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an), ý kiến của các bộ, ngành có liên quan về dự án Luật và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định các văn bản triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Công an đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Chính phủ xem xét. Tại Phiên họp tháng 12/2014, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Công an hoàn chỉnh dự án Luật và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ngày 27/22015, tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu và đồng ý trình dự án Luật ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đến nay, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo và nội dung dự thảo Luật. Chính phủ cho rằng, nếu tên của Luật là Luật tạm giữ, tạm giam thì không phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật này, bởi lẽ Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định về tạm giữ, tạm giam bao gồm các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. Chính phủ đề nghị lấy tên của Luật là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam: Quá trình xây dựng dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tất cả khiếu nại trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam sẽ không bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; đồng thời sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát có thẩm quyền là không đúng pháp luật. Do vậy, cần phải có cơ chế để giải quyết trong trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát có thẩm quyền. 

Chính phủ thấy ý kiến đề nghị bổ sung quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hợp lý để bảo đảm tốt hơn lợi ích hợp pháp của họ trong điều kiện họ đang bị tạm giữ, tạm giam, khó có thể tự mình thực hiện được quyền khiếu nại khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng chưa được giải quyết. Tuy nhiên, do Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật”. Do vậy, trước mắt dự thảo Luật chưa bổ sung quy định về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc giải quyết khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng.

Nguyễn Hưng (thực hiện)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文